Thông tin trên vừa được Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu chia sẻ tại hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2018.
hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2018 diễn ra ngày 24/5 tại Hà Nội. |
Vị Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho hay, việc sớm phê duyệt Đề án Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh sẽ là tiền đề quan trọng cho việc triển khai xây dựng Chính quyền số vào năm 2020.
Cũng theo ông Đặng Huy Hậu, hiện Quảng Ninh đang triển khai một số dự án thành phần của chương trình phát triển Thành phố thông minh của tỉnh.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các nhiệm vụ về cải cách hành chính, ông Hậu thông tin, cải cách hành chính có 6 nội dung rất trọng tâm song tỉnh Quảng Ninh đã chọn một số nội dung quan trọng, rất khó để tổ chức thực hiện nhằm tạo ra bước đột phá.
Đơn cử như, về cải cách thủ tục hành chính, sau 6 năm kiên trì thực hiện, đến giờ mọi việc đã đi vào nền nếp, thể hiện qua việc việc ứng dụng CNTT để xử lý liên thông văn bản qua 4 cấp từ Chính phủ đến cấp xã.
“Cùng với đó, việc giải quyết các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh đã được thực hiện tương đối tốt. Quảng Ninh cũng đã thiết lập hệ thống hội nghị trực tuyến với hơn 200 điểm cầu kết nối từ tỉnh đến tất cả các xã trên địa bàn”, ông Hậu nêu.
Theo kết quả đánh giá Chỉ số PAR INDEX 2018 vừa được Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số đạt 89,06%, cao hơn 5,08% so với địa phương xếp ở vị trí thứ hai là Hà Nội (đạt 83,98%).
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì thực hiện báo cáo Chỉ số PAR INDEX 2018, Quảng Ninh không chỉ là nơi khởi nguồn và lan tỏa các sáng kiến, giải pháp mới trong cải cách hành chính, ví dụ như thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; thành lập Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư từ năm 2012; ban hành bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện từ năm 2016.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn là đơn vị luôn đi đầu trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính được Trung ương giao, đơn cử như việc triển khai các mô hình sắp xếp tổ chức bộ máy; xây dựng chính quyền điện tử, vận dụng sáng tạo mô hình đối tác công tư – PPP.
Bộ Nội vụ cũng cho biết, tiếp nối những kết quả đạt được trong sắp xếp tổ chức bộ máy, năm 2018, tỉnh Quảng Ninh là đơn vị đầu tiên thực hiện hợp nhất chi cục thuế cấp huyện thành chi cục thuế khu vực theo chủ trương của Bộ Tài chính. Quảng Ninh cũng là đơn vị tiên phong thực hiện thí điểm thành công mô hình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia; năm 2018, mô hình này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành Chương trình quốc gia đê triển khai.
Cùng với đó, việc áp dụng có hiệu quả mô hình “4 tại chỗ” trong giải quyết thủ tục hành chính với các khâu tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả giải quyết hồ sơ được thực hiện tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện đã góp phần giúp Quảng Ninh rút ngắn từ 40% – 60% thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính so với quy định, giảm chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, việc sớm phê duyệt Đề án Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh sẽ là tiền đề quan trọng cho việc triển khai xây dựng Chính quyền số vào năm 2020 (Ảnh minh họa: Internet) |
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh cũng là đơn vị triển khai xây dựng mô hình chính quyền điện tử từ rất sớm (năm 2013) và là địa phương đầu tiên triển khai thành công trục kết nối liên thông văn bản điện tử 4 cấp với Văn phòng Chính phủ.
Từ nhiều năm trước, Quảng Ninh đã thực hiện chủ trương văn phòng không giấy tờ. Đến nay, 100% các thủ tục hành chính của Tỉnh được tiếp nhận, giải quyết và được máy tính hoá trên môi trường mạng.
Việc quản lý, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được thực hiện tập trung, thống nhất, công khai minh bạch, từ chỗ hầu như không có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (năm 2015) thì đến cuối năm ngoái tỉnh đã cung cấp trên 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Hiện trung bình mỗi năm có trên 600.000 hồ sơ trực tuyến được giải quyết, tiết kiệm chi phí xã hội trung bình hơn 70 tỷ đồng/năm.
Năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đã nhận được giải thưởng ASOCIO 2018 dành cho chính quyền số xuất sắc do Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á-Thái Bình Dương (ASOCIO) tổ chức với sự tham gia của 24 quốc gia thành viên.
Đại diện Bộ Nội vụ nhấn mạnh: “Nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh Quảng Ninh đã có những tác động rất tích cự đến các mặt kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính – SIPAS 2018 của tỉnh Quảng Ninh đạt 91,15%. 11/11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Những thành công trong cải cách hành chính của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã cho thấy tầm nhìn sâu rộng, sự đột phá trong tư duy quản lý và quyết tâm đổi mới của đội ngũ lãnh đạo tỉnh, đã được Trung ương đánh giá cao, đặc biệt là nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của người dân, doanh nghiệp và được cộng đồng quốc tế ghi nhận”.
Được biết, năm 2017, tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 1/63 về Chỉ số PCI – Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng thời đứng ở vị trí thứ 1/63 trong Bảng xếp hạng về Chỉ số PAR INDEX.