Đầu tư 830 tỷ đồng lập khu thủy sản ứng dụng công nghệ cao

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Quyết định số 3851/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà.

Theo đó, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rộng 169,5 ha này có chức năng chính là nghiên cứu ứng dụng các thành tựu về khoa học công nghệ và phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản, trọng tâm là phát triển tôm; phòng chống dịch bệnh; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ như chọn tạo, sản xuất giống thủy sản cho năng suất, chất lượng cao; trình diễn, chuyển giao nhân lực, các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong ngành công nghiệp tôm…

Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được xây dựng tại 2 xã Tân Lập và Đầm Hà, huyện Đầm Hà. Tổng vốn đầu tư cho dự án là gần 830 tỷ đồng.

{keywords}
Ảnh minh họa

Mục tiêu của đề án là hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nòng cốt là các tổ chức khoa học - công nghệ, doanh nghiệp tham gia đầu tư để phát triển công nghệ cao trong ngành nuôi trồng thủy sản công nghiệp hoặc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, nhằm nhân rộng ra các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao trong, ngoài tỉnh.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản được phân thành 2 khu, gồm khu trung tâm có diện tích khoảng 23,33 ha, là khu hành chính, đào tạo, chuyển giao công nghệ và giới thiệu sản phẩm thủy sản ứng dụng công nghệ cao, phân khu trình diễn mô hình sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao; khu sản xuất thực nghiệm và thu hút doanh nghiệp có diện tích 146,17 ha, bao gồm khu đầu tư sản xuất sản phẩm thủy sản ứng dụng công nghệ cao, khu chức năng thu hút nhà đầu tư thứ cấp, khu xử lý nước, xử lý rác thải tập trung.

Tiến độ thực hiện của Đề án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, đến năm 2020 thực hiện điều chỉnh quy hoạch, thực hiện GPMB, đưa vào hoạt động phân khu trung tâm, phân khu sản xuất giống tôm và một phần khu nuôi tôm chất lượng cao.

Giai đoạn 2, từ năm 2021-2023, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tiến hành mở rộng khu nuôi trình diễn, triển khai đầu tư khu thử nghiệm để tạo ra công nghệ cao, phục vụ sản xuất giống, nuôi trồng đối với các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh.

Giai đoạn 3, từ năm 2024-2025, hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng còn lại, tiếp tục nghiên cứu đầu tư khu thử nghiệm và nhân rộng các mô hình, công nghệ đã thử nghiệm thành công.

Góp phần thúc đẩy ngành thủy sản Quảng Ninh phát triển

Tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 21.400 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, với nhiều điều kiện thuận lợi về vùng nước mặn, lợ, ngọt và biển, có nguồn thủy hải sản phong phú. Trong những năm gần đây, thủy sản Quảng Ninh tăng trưởng ở mức đột phá, khẳng định vị trí hạt nhân, động lực trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trở thành một trong 6 ngành kinh tế được tỉnh ưu tiên phát triển.

Năm 2018, thủy sản Quảng Ninh đạt 125.000 tấn về sản lượng, đạt 9.000 tỷ đồng về giá trị, chiếm 55% giá trị toàn lĩnh vực sản xuất nông nghiệp,  cao hơn tổng giá trị của 3 ngành trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp. Trong đó nuôi trồng thủy sản có tốc độ tăng trưởng cao nhất với 9%, đạt 58.300 tấn sản lượng, trên 5.000 tỷ đồng giá trị, chiếm gần 60% giá trị ngành thủy sản. Ngành thủy sản Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt sản lượng 130.000 tấn, giá trị trên 10.000 tỷ đồng, trong đó giá trị xuất khẩu trên 100 triệu USD; các năm tiếp theo tăng trưởng từ 7-10%/năm.

Việc thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy ngành thủy sản nói chung và ngành nuôi tôm nói riêng của tỉnh Quảng Ninh phát triển, giúp tạo ra các con giống thủy sản chất lượng cao, an toàn dịch bệnh, thích ứng với điều kiện tự nhiên, nâng cao chất lượng xuất khẩu thủy sản. Đây cũng là tiền để để ngành thủy sản thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, qua đó tạo ra những vùng sản xuất thủy sản chuyên biệt, có chất lượng, góp phần đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

N.H