Đầu tư các nguồn lực, phát huy lợi thế
Quảng Ninh được biết đến là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển. Tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thuộc tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; địa thế thuận lợi khi có cả đường biên giới trên bộ và trên biển, trong đó chiều dài đường biển lên đến 250km, rộng trên 6.000km2 mặt biển, trên 1.000km2 diện tích hải đảo cùng hệ thống luồng đường thủy nội địa gần 800km và hơn 130 bến cảng thủy nội địa.
Quảng Ninh cũng sở hữu di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế...
Xác định hoàn thiện hạ tầng là một trong những yêu cầu cấp thiết để mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh tế biển, những năm qua Quảng Ninh dành nguồn lực đầu tư lớn để phát triển hạ tầng cảng biển, dịch vụ cảng biển cũng như hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, hạ tầng các KCN, KKT, hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ. Tỉnh đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mở rộng hợp tác với nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để nghiên cứu, đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, dịch vụ.
Theo đó dịch vụ vận tải, cảng biển và hậu cần cảng biển của tỉnh ngày càng phát triển với hệ thống cảng biển hiện đại: cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, cảng cửa Ông, cảng Cái Lân, cảng biển Hải Hà... ; hình thành các dịch vụ cảng biển chủ đạo, thế mạnh: Dịch vụ lưu kho bãi và cho thuê kho bãi, xếp dỡ hàng hóa tại khu vực Quảng Yên, các KKT cửa khẩu Móng Cái, Bắc Phong Sinh, Hoành Mô - Đồng Văn…
Nhờ đẩy mạnh đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối các KCN, KKT các vùng sản xuất lớn và những khu vực có tiềm năng về phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển, du lịch (đường nối KCN Cái Lân đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; đường kết nối đường tỉnh 331 với đường tỉnh 338 - TX Quảng Yên; đường trục chính thứ 2 của KCN cảng biển Hải Hà và đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả…); hệ thống giao thông liên vùng và quốc tế (tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, sân bay Vân Đồn)… Quảng Ninh tạo ra hệ thống kết cấu hạ tầng liên thông, đồng bộ, hiện đại, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển.
Tại Quảng Ninh, nhiều ngành kinh tế biển và ven biển đã trở thành động lực tăng trưởng. Trong đó ngành du lịch và dịch vụ biển vượt qua khó khăn trong dịch bệnh, tiếp tục phát triển, khẳng định thương hiệu, vị thế của tỉnh là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Quy mô ngành kinh tế hàng hải của tỉnh ngày càng gia tăng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong giá trị gia tăng của kinh tế biển. Năm 2022, doanh nghiệp trong tỉnh hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi ở các cảng, bến đạt doanh thu trên 37.500 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2019-2022, tổng thu ngân sách của 9 địa phương ven biển là 117.189 tỷ đồng, chiếm 85,1% tổng thu nội địa toàn tỉnh Quảng Ninh và có xu hướng tăng qua các năm. Thu ngân sách của các ngành kinh tế biển giai đoạn này đạt 26.376 tỷ đồng; trong đó du lịch và dịch vụ biển chiếm tỷ trọng 32,01%, kinh tế hàng hải 31,55%, công nghiệp ven biển 35,8%...
Hướng tới trở thành trung tâm kinh tế biển bền vững
Quảng Ninh đặt mục tiêu giai đoạn 2022-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển 11,5-12%, đóng góp vào cơ cấu GRDP của tỉnh 22-23%; xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế; doanh thu dịch vụ cảng biển khoảng 25.000 tỷ đồng...
Để hiện thực hoá mục tiêu này, tiếp tục phát triển bền vững kinh tế biển, tỉnh sẽ ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đa mục tiêu, nhằm bảo đảm “lợi ích kép” trong phát triển. Cùng với đó, tiếp tục chú trọng công tác hợp tác quốc tế và khu vực trong phát triển kinh tế biển bền vững và đào tạo nguồn nhân lực biển hiệu quả; tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian dựa vào hệ sinh thái và theo chức năng sử dụng biển, đảo và vùng ven biển.
Trong chiến lược phát triển, Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh phân bổ không gian biển, vùng ven biển và đảo cho các ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích và giảm xung đột không gian trong khai thác, sử dụng cùng một vùng ven biển, đảo và biển, giữa các tập thể và cá nhân; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, thực hiện quản lý bền vững kinh tế biển của tỉnh theo phương thức quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia thực chất của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tầm nhìn và định hướng chiến lược về phát triển kinh tế biển của Quảng Ninh cơ bản phát triển toàn diện, đúng hướng, từng bước được định hình rõ nét. Thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững sẽ tạo điều kiện đưa Quảng Ninh trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần kết nối kinh tế biển của đất nước với khu vực và thế giới.