Theo KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam: Hạ Long là đô thị trung tâm số 1 của tỉnh, được xác định các chức năng chung là trung tâm chính trị – hành chính, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, y tế giáo dục của tỉnh đồng thời là trung tâm dịch vụ du lịch quốc gia, có tầm quốc tế, trung tâm thương mại dịch vụ công nghiệp biển, dịch vụ logistic trọng điểm khu vực và quốc tế. Như vậy về mặt kiến trúc quy hoạch, TP cũng gắn trên mình trọng trách dẫn hướng rất lớn cho toàn tỉnh. Do vậy, trọng tâm hiện nay về mặt này vẫn phải là tập trung rà soát để đáp ứng dần và hoàn thiện các tiêu chí về phát triển bền vững.
Khi đã lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm để phát triển mạnh đô thị về phía Bắc, cần lựa chọn các loại hình phù hợp với các chức năng công cộng, dịch vụ ven vịnh. Phía Bắc tập trung cho lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao và công nghệ cao. Cân nhắc tỷ lệ đô thị hóa thích hợp để giữ lại phù hợp phát triển bền vững vùng nông thôn thuộc TP theo mô hình nông nghiệp công nghệ. Có quy hoạch hợp lý, khuyến khích dạng chung cư đối với vấn đề ở để khai thác tốt quỹ đất hạn hẹp. Vấn đề chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng cần tính toán đầy đủ, để có đối sách chủ động ngay từ bây giờ.
Vân Đồn với hai vùng phát triển, một thời hướng tới mô hình đặc khu, đô thị này có vị trí vô cùng quan trọng, chính là điểm có khả năng đột phá tốt nhất cho việc phát triển đa tâm đô thị của Quảng Ninh. Là nơi vốn có thương cảng huyền thoại, giờ lại có cả sân bay, Vân Đồn rõ ràng đưa đến cơ hội lớn nhất để xây dựng thành khu kinh tế tầm quốc gia và quốc tế của Quảng Ninh, về mặt du lịch dịch vụ đang trở thành một điểm đến cuốn hút mới cho du khách toàn cầu. Về mặt du lịch, hiện tại khi Hạ Long đã trở nên quá chật chội và có phần quá thân thuộc, Vân Đồn là ứng viên nổi bật đang có cơ trở thành “Hạ Long thứ hai”. Do đó quy hoạch kiến trúc về thể loại du lịch ở đây cần được ưu tiên đặt ra và giải quyết thỏa đáng ngay từ đầu.
Trong quy hoạch và kiến trúc ở đây, cần đặc biệt chú trọng giải pháp ngăn chặn khía cạnh tiêu cực của vấn đề này, tránh trường hợp đã để lại hậu quả với nhiều nơi trên thế giới và ngay trên hòn đảo Tây Nam rất tiềm năng lợi thế ở nước ta. Với 2 vùng và 5 vành đai Vân Đồn chọn để phát triển là hợp lý, nhưng cần gắn với giữ gìn được bảo tồn đa dạng sinh thái và cảnh quan, cần chú trọng đặc biệt đến quỹ đất dự trữ, cho tương lai phát triển chức năng tiếp nối và chức năng mới. Đồng thời tránh quy hoạch theo kiểu lắp ghép những miếng da báo sẵn có của các nhà đầu tư đã chốt định vào một bức tranh, sẽ làm hỏng mất cơ hội phát triển bền vững đáng tiếc. Về tổ chức không gian và loại hình kiến trúc, Vân Đồn cũng chính là địa chỉ “xanh” nhất của tỉnh, cho các nhà sáng tạo và người chủ nhà, để tạo nên sự đột phá độc đáo, kết nối giữa bản sắc và hiện đại trong hội nhập vững chắc ở tầm cao quốc tế, không thua gì vùng Tây Á, nơi đang nhiều thành công vượt trội, dẫn đầu thế giới.
Móng Cái đã được hình thành và phát triển khá ổn định, cùng với đô thị cảng biển Hải Hà thành hai vùng động lực, sẽ tạo nên một lợi thế không nhỏ ở một vùng đất duy nhất ở Việt Nam vừa có cửa khẩu đất liền và cửa khẩu biển. Vì vậy, cần chọn mô hình đô thị riêng, phù hợp cho TP này. Có thể đó là dạng đô thị Nông nghiệp – Dịch vụ – Cảng. Với mô hình như vậy, có thể khu ven biển đảo phát triển kết nối các khu đô thị vừa và nhỏ kết hợp khu nông hải ứng dụng công nghệ cao, và các dự án du lịch dịch vụ cao cấp. Khu vực đồi núi phía Bắc trồng rừng kết hợp vành đai xanh bảo vệ biên giới, kết hợp dịch vụ thương mại biên giới.
Trục sản xuất công nghệ cao theo hành lang kết nối với khu công nghiệp cảng Hải Hà, cùng trục dịch vụ sinh thái nông lâm nghiệp hướng Tây. Về phía Đông, phát triển đô thị dịch vụ sinh thái. Khu vực Trà Cổ – Bình Ngọc phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch biển gắn với các tổ hợp văn hóa vui chơi giải trí. Một loạt đảo của vùng là Vĩnh Trung – Vĩnh Thực, Cái Chiên, Vạn Mạc, Vạn Nước… phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng đa cấp với dạng kiến trúc xanh, sinh thái, trên bến dưới thuyền… Về mặt kiến trúc ở vùng biên cương này, cần chú trọng hơn các mô hình phát huy, tiếp biến bản sắc dân tộc mạnh mẽ, tìm tòi sự khác biệt về kiến trúc gắn với từng dân tộc định cư, khác với dạng kiến trúc nước bạn cận kề, là giải pháp hợp lý.
Nếu có phương tiện thuận lợi quanh năm và ít phụ thuộc thời tiết thì Cô Tô – Thanh Lân có khả năng khai thác dịch vụ, đặc biệt là du lịch lớn. Quy hoạch vùng đảo này cần bắt đầu từ sự cân đong đo đếm quỹ đất, nhất là việc dành quỹ đất cho nhu cầu ở (bằng cách thu gọn và cải tiến mô hình ở, kể cả hình thái cao tầng). Bên cạnh đó, trên cơ sở tôn trọng tối đa tài nguyên rừng tự nhiên, khai thác mạnh mẽ về hướng biển. Phát huy thế mạnh của hệ thống đảo sẵn có bằng sự kết nối giao thông cố định giữa các đảo phù hợp. Đầu tư cho các dạng hình kiến trúc đồng nhất và hài hòa, bền vững trước khí hậu biển và mùa giông bão (thực tế hiện nay kiến trúc ở đây đang tự phát, manh mún, chưa có nét gì đặc sắc). Cũng cần chú ý quy hoạch đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, xử lý nước thải, rác thải tốt, bảo vệ tốt môi trường biển. Ba Chẽ là nơi có cơ hội trọn vẹn và đầy đủ nhất về phát triển đô thị miền núi giàu bản sắc, cái mà các đô thị khác ở Quảng Ninh không có được.
Với việc quy hoạch được tiến hành đúng tầm và tổ chức không gian kiến trúc tốt, đô thị này hoàn toàn có cơ hội trở thành một điểm sáng về – du lịch dịch vụ của tỉnh, nhất là vai trò Kết nối rừng tới biển – đảo rất độc đáo và khác biệt với các địa phương khác. Về phát triển kinh tế nông lâm, với đặc sản OCOP vùng miền đang được đẩy mạnh và có cơ hội cao để tạo hiệu quả hiện nay, Ba Chẽ rất khả thi nếu biết lựa chọn. Với những lý do đó, Quảng Ninh cần tập trung hướng phù hợp cho đô thị này.