Mời quý độc giả theo dõi video:

Thời gian qua tỉnh Quảng Ninh dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân, đặc biệt là tại các khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống theo nội dung Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng các chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Các chương trình này được lồng ghép cùng việc triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của ban chấp hành Đảng bộ tỉnh "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Phát huy tiềm nằng, thế mạnh của mỗi vùng, Quảng Ninh khuyến khích các địa phương hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, tiến đến xóa bỏ phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP.

Đơn cử như những mô hình nuôi gà Tiên Yên theo hướng hữu cơ ở huyện Tiên Yên của bà con dân tộc Tày và Dao. Trước đây, bà con chăn nuôi gà theo kinh nghiệm truyền thống, sử dụng thức ăn hỗn hợp công nghiệp, chủ yếu là cám gạo… tỷ lệ gà hao hụt cao, số lượng nuôi nhỏ lẻ, dẫn đến giá trị kinh tế thấp.

Từ khi áp dụng theo mô hình liên kết chuỗi, thực hiện quy trình chuẩn, đàn gà được nhân rộng, tỷ lệ hao hụt thấp, mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Trung bình, doanh thu mỗi hộ từ 200 – 300 triệu đồng/năm.

Ông Lã Văn Quý là người con dân tộc Dao. Hiện ông giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND xã Phong Dụ. Thời điểm địa phương mới gây dựng, khuyến khích bà con chăn nuôi, bảo tồn giống gà Tiên Yên, để người dân hiểu và thấy được hiệu quả từ mô hình, ông đã mạnh dạn thử nghiệm nuôi giống gà này.

Sau thời gian ngắn, đàn gà nhà ông Quý nuôi theo khoa học kỹ thuật nên khi xuất bán được giá, có lợi nhuận. Bà con thấy được lợi ích đó, đã bắt tay vào làm.

Từ năm 2020 đến nay, các địa phương đã phê duyệt, triển khai hỗ trợ 21 dự án liên kết cấp huyện cho 659 cá nhân, tổ chức. Nhiều mô hình liên kết được hình thành, hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm, sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ứng dụng công nghệ cao, tích cực tham gia chuỗi liên kết.

Từ năm 2021-2023, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 71 sản phẩm OCOP; thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng của các sản phẩm. Riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh hiện có 76 sản phẩm OCOP; trong đó có 62 sản phẩm đạt 3 sao, 14 sản phẩm đạt 4 sao.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trong tỉnh được thụ hưởng nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước. Qua đó, bà con được nâng cao mọi mặt đời sống, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chủ động lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.