Việc tổ chức diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng là một phần trong việc đào tạo ATTT của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Internet |
Thông tin trên được ông Nguyên đưa ra tại Hội nghị “Bảo đảm ATTT trong chuyển đổi số quốc gia và Chính phủ điện tử” diễn ra đầu tháng 11/2019.
Cụ thể, ông Nguyên cho rằng, nhân lực CNTT rất quan trọng đối với các địa phương mà không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Như với Quảng Ninh, nguồn nhân lực CNTT đã hiếm mà nhân lực ATTT còn ít hơn, khi mà gần như không có cán bộ đào tạo chuyên sâu về ATTT. Việc tuyển dụng nhân sự cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí có những huyện thuộc Quảng Ninh có biên chế nhưng không thể tuyển được người. Vì thế, Quảng Ninh xác định chủ động đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ thay vì tuyển dụng nhân sự mới.“Bởi vì, nhân sự CNTT, ATTT tốt thì ngay cả các doanh nghiệp cũng rất cần và sẵn sàng trả tiền lương cao hơn so với các cơ quan nhà nước”, ông Nguyên lý giải.
Đại diện Sở TT&TT Hưng Yên cũng cho biết, tỉnh cũng gặp khó khăn về nhân lực, dù đã có giải pháp đưa cán bộ công chức nâng cao chuyên môn CNTT, ATTT nhưng gặp khó về cơ chế giữ người, khi chỉ cần nhân sự có trình độ tốt một chút là sau vài năm họ lại chia tay các cơ quan nhà nước để tìm đơn vị có nguồn thu nhập cao hơn.
Chia sẻ vấn đề này, theo ông Nguyên, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thu được những thành công ban đầu dù chưa được như mong đợi. Trong dự án Thành phố thông minh, tỉnh đã có dự án riêng về đạo tạo nhân lực về CNTT, trong đó có mảng ATTT. Trong đó, dự án sẽ đào tạo khoảng hơn 100 nhân sự tại chỗ ở tỉnh, ít nhất có bằng đại học CNTT, trong đó có một số người sẽ có bằng chuyên sâu về ATTT để vận hành, phục vụ tốt việc ứng dụng CNTT, đảm bảo ATTT ở địa phương. “Từ đó, mỗi huyện sẽ có khoảng 3 cán bộ, mỗi sở sẽ có 2 cán bộ có bằng CNTT, trong đó có một người biết sâu hơn về ATTT”, ông Nguyên nói.
Cũng theo ông Nguyên, đối với cơ chế tiền lương, tỉnh mới xin được cơ chế thu nhập cho 12 cán bộ của Trung tâm tích hợp dữ liệu và Trung tâm CNTT của Văn phòng UBND tỉnh, với mức thu nhập khoảng 160 triệu đồng/năm, gấp đôi suất biên chế khoán (80 triệu đồng/năm). “Đây là kết quả của việc tranh đấu rất nhiều với các đơn vị liên quan và tôi cũng đề xuất với Bộ TT&TT làm việc với Bộ Tài chính để có cơ chế riêng cho các bộ CNTT, ATTT ở địa phương”, ông Nguyên khẳng định.
Tại Hội nghị, ông Ngô Quốc Vinh, chuyên gia bảo mật của VNCS cho biết đến năm 2020, trên thế giới sẽ thiếu khoảng 3,5 triệu nhân lực ATTT. Còn tại Việt Nam, thống kê của các tổ chức cho thấy, 70% thừa nhận thiếu nhân lực ATTT, 70% cho biết khó giữ chân nhân viên trình độ trung bình khá trở lên, 63% tổ chức không đào tạo đầy đủ cho nhân viên của mình. “44% nhân viên cho biết, họ nhận được ít nhất một lời mời tuyển dụng mỗi tuần”, ông Vinh nói.
Chia sẻ về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ATTT, trong đó các giải pháp ngắn hạn mà các tổ chức có thể thực hiện bao gồm: thuê ngoài dịch vụ và thiết bị ATTT theo Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ; ứng dụng AI tự động hoá các quy trình đơn giản; đào tạo nghiệp vụ thường xuyên. Còn đối với các giải dài hạn, các tổ chức có thể tăng tuyển dụng đào tạo sinh viên mới ra trường; đẩy mạnh đào tạo nhân lực nội bộ (kết hợp với các chuyên gia bên ngoài); xác định nhu cầu nhân lực của mình để điều chỉnh quá trình tuyển dụng.