Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, người nông dân có thu nhập cao, đời sống hạnh phúc.
Hết năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu xây dựng NTM ở cả ba cấp: tỉnh, huyện, xã để bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Năm 2024, tỉnh bố trí 981,9 tỷ đồng ngân sách tỉnh để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đến ngày 30/6, Quảng Ninh đã giải ngân đạt 358 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 36,5%; hoàn thành sớm hơn 2 năm chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp từ tỉnh đến xã. Trong số đó, Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; Tiên Yên, Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021-2025.
Có được kết quả này là nhờ ngay từ ngày đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) cách làm của Quảng Ninh đã có sự khác biệt so với các địa phương khác trong cả nước. Không làm thí điểm mà triển khai đồng loạt Chương trình xây dựng NTM ở tất cả 125/125 xã, đặc biệt, cùng với Chương trình xây dựng NTM, Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm là một chương trình chưa có tiền lệ và Quảng Ninh là tỉnh tiên phong đi đầu trong cả nước…
Từ cách làm trên đã thể hiện quan điểm chiến lược cho sự phát triển bền vững của Quảng Ninh về xây dựng NTM và đầu tư phát triển nền nông nghiệp sinh thái xanh - sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Bước sang giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao hiện nay, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực hợp pháp đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư các công trình, dự án hạ tầng kinh tế-xã hội có sức lan tỏa, là "vốn mồi" để kích hoạt thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền. Tỉnh phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Giờ đây, trong sản xuất nông nghiệp không chỉ sản xuất ra nhiều nông sản là đủ mà phải là những nông sản có lợi thế thị trường để mang lại giá trị cao và có sự liên kết giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, mô hình tổ chức sản xuất phải ưu thế, tôn trọng hợp tác, sánh ngang các nước trong khu vực.
Các vùng nông thôn Quảng Ninh trên tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu song không tách rời quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện mục tiêu làm sao để cuộc sống, thu nhập của người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng lên, hướng đến mặt bằng chung của vùng đô thị hiện nay.