Thực hiện chuyển đổi số toàn diện
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh đang tích cực chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực.
Chị Vũ Thị Huế (phường Mạo Khê, TX Đông Triều) chia sẻ, trước đây, chị muốn làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe đều phải đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để thực hiện, tuy nhiên, hiện nay, chị không cần phải đến tận Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nữa mà chị có thể thao tác trên máy tính là có thể gửi hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả tại nhà.
Chị Huế cho biết, điều này giúp ích cho người dân như chị rất nhiều, bởi vừa giảm thời gian, công sức đi lại, vừa giảm được chi phí.
Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn của Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Phú Cường (xã Yên Than, huyện Tiên Yên) nên chị Chìu Tài Múi đã sử dụng thông thạo điện thoại thông minh để vào mạng internet cập nhật tin tức, tìm hiểu cách phát triển kinh tế hộ gia đình và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp như nuôi gà, trồng khoai tây... Nhờ đó, kinh tế gia đình chị ngày một khấm khá hơn. Việc thanh toán tiền điện, tiền nước, đóng tiền học cho con và thực hiện các giao dịch online khác, chị Múi đều thực hiện thông qua chiếc điện thoại thông mình của mình.
Ở xã vùng cao Yên Than (huyện Tiên Yên) có tới 75% dân số là đồng bào DTTS, vì thế, để nâng cao chất lượng cuộc sống được như ngày hôm này, không riêng gì chị Múi mà nhiều gia đình khác có được là nhờ công tác chuyển đổi số đến với từng người dân, từng thôn, bản.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với đơn vị chức năng cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho nông sản, mở ra cơ hội đưa nông sản địa phương vào các kênh thương mại uy tín trong nước, lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), xuất khẩu ra nước ngoài.
Điển hình là việc việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT để phát triển hoạt động kinh doanh. Trong đó phải kể đến việc giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các sàn TMĐT với nhiều hoạt động cụ thể, hiệu quả.
Theo thống kê, hiện Quảng Ninh có trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của tỉnh được quảng bá, kinh doanh trên các sàn TMĐT như: Voso, Postmart, Tiki,… Riêng sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh đã giới thiệu 393/393 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh. Nhiều sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến, tin tưởng sử dụng, như: Miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Quy Hoa (Hải Hà), nước mắm Cái Rồng, hải sản Cô Tô…
Thị xã Đông Triều là một trong những địa phương đi đầu trong việc đẩy mạnh phát triển TMĐT. Tính đến thời điểm hiện tại, Đông Triều có 80% sản phẩm nông sản, thủy sản đã qua chế biến bao gói sẵn được truy xuất nguồn gốc, trong đó, 100% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên được đẩy mạng quảng bá, marketing trên các nền tảng truyền thông, mạng xã hội.
Ngoài ra, Đông Triều cũng đang là địa phương đầu tiên của tỉnh ứng dụng công nghệ giám sát sâu, rầy thông minh tự động để sớm nhận biết, chủ động điều tra và khuyến cáo phòng trừ sâu, rầy hại cây trồng, kịp thời, bảo vệ mùa màng, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do sâu, bệnh gây ra. Đồng thời, ứng dụng thiết bị bay tự động trong phun rải thuốc bảo vệ thực vật, có thể phun được từ 70-80ha cây trồng các loại mỗi ngày, tiết kiệm được 30% chi phí cho thuốc trừ sâu.
Quảng Ninh cũng thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục. Nhờ chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học cũng như sử dụng hiệu quả hệ thống phòng học thông minh nên những năm gần đây, ngành GD&ĐT tỉnh có nhiều đổi mới tích cực. Tại nhiều trường học, mỗi lần lên lớp giảng dạy, các giáo viên không chỉ sử dụng dụng cụ học tập truyền thống, mà còn sử dụng trình chiếu trên màn hình với những video, hình ảnh, âm thanh sinh động. Như ở TP Cẩm Phả, hiện các trường học đã triển khai phần mềm quản lý trường học trực tuyến; 100% học sinh, giáo viên có hồ sơ điện tử, có mã định danh thống nhất; sử dụng học bạ, một số sổ sách điện tử thay thế hồ sơ giấy...
Phấn đấu đứng top 5 cả nước về chuyển đổi số toàn diện
Tại Quảng Ninh, để hỗ trợ người thực hiện chuyển đổi số, toàn tỉnh đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng, bao phủ 1.452 thôn, bản, khu phố ở toàn bộ 177 xã, phường, thị trấn, với sự tham gia của hơn 11.000 thành viên. Với nhiều nỗ lực và cách làm linh hoạt, các tổ công nghệ số cộng đồng đã tích cực hỗ trợ người dân, giúp lan tỏa công nghệ số đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, đồng thời đóng góp quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
Thời gian qua, Quảng Ninh đã chú trọng đầu tư hạ tầng internet băng rộng phủ khắp từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa để người dân dễ dàng tiếp cận với tiện ích số. Đến nay 100% xã, phường, thị trấn của Quảng Ninh đều được sử dụng internet tốc độ cao; diện phủ sóng di động 4G các khu vực dân cư toàn tỉnh đạt 99,8%; các nhà mạng đã cung cấp miễn phí 2.713 chữ ký số cho người dân để thực hiện nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến.
Đến nay tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 106,7%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 95,2%; tỷ lệ phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng chất lượng cao 4G đạt 49,88%, 5G đạt 0,03%.
Quảng Ninh cũng đẩy mạnh “phủ sóng” thanh toán không dùng tiền mặt trong tất cả các lĩnh vực, được đông đảo người dân lựa chọn, từng bước hình thành thói quen của người tiêu dùng. Hiện, tỷ lệ số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 83%; có 167 website đăng ký thông báo bán hàng với Bộ Công Thương, 1 website đã được xác nhận đăng ký hoạt động sàn TMĐT; trên địa bàn tỉnh hiện có 3,3 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có 2,4 triệu tài khoản đang hoạt động; việc chi trả không dùng tiền mặt chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp đạt 48,6%; chi trả an sinh xã hội đạt 51,6%; thu ngân sách nhà nước (thuế, phí, lệ phí) đạt 97,1%; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện, tiền nước đạt 97,8%...
Nhờ chuyển đổi số nên ở các miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới của Quảng Ninh hiện nay có nhiều đổi thay, rút ngắn khoảng cách thành thị - nông thôn. Nhiều gia đình đã sắm được ti vi, máy tính, điện thoại thông minh để bán hàng online, phục vụ học tập, giải trí, không khác gì ở vùng thành thị.
Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 đạt 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng; doanh số giao dịch TMĐT tăng bình quân 15%/năm; 90% các giao dịch mua hàng trên website và ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của khách hàng bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…
Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, chuyển đổi số đã và đang mang lại lợi ích thiết thực, làm thay đổi nhận thức, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đổi mới diện mạo các vùng, miền trong tỉnh.
Chuyển đổi số cũng góp phần xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số, tạo sự đột phá trong việc chuyển đổi số toàn diện giúp Quảng Ninh sớm đạt mục tiêu đứng trong top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện.