Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 1 cơ quan báo chí của tỉnh (Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh); 48 cơ quan báo chí Trung ương, bộ, ngành và các địa phương khác.
“Trong những năm qua, công tác thông tin, truyền thông chính sách được Quảng Ninh quan tâm thực hiện với nhiều hình thức, sử dụng đa dạng các kênh thông tin như: Báo chí, mạng xã hội, đội ngũ báo cáo viên, từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường. Trong đó, Quảng Ninh xác định, trong nhiệm vụ truyền thông chính sách, báo chí là kênh truyền thông đóng vai trò chủ lực, dẫn dắt”, bà Lê Ngọc Hân Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh cho biết.
Xác định có “bột mới gột nên hồ”, để đẩy mạnh thông tin chính thống trên báo chí, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm thực hiện công tác cung cấp thông tin cho báo chí.
Đa dạng hình thức cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí đã được triển khai. Chẳng hạn như cung cấp thông tin qua hệ thống email, qua các group thông tin trên mạng xã hội mà thành viên là phóng viên thường trú, văn phòng đại diện, đầu mối phóng viên các cơ quan báo chí hợp tác truyền thông, phóng viên được cử theo dõi, nắm bắt thông tin trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ước tính hàng tháng, tỉnh cung cấp cho phóng viên từ 20 - 40 lượt thông tin, là nguồn nguyên liệu để các cơ quan báo chí tham khảo, tuyên truyền.
Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên tổ chức hội nghị thông tin báo chí vào thứ 3 hàng tuần, cùng với hội nghị giao ban báo chí hàng tháng, cung cấp thông tin định hướng tuyên truyền các nội dung trọng tâm, đồng thời đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan trực tiếp cung cấp cho các cơ quan báo chí các vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm.
Hàng năm, ngoài các hội nghị thông tin báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các sở, ban, ngành, địa phương còn tổ chức từ 5 - 10 cuộc họp báo, cung cấp thông tin đến phóng viên các cơ quan báo chí các nội dung trọng tâm, trọng điểm, các sự kiện nổi bật trên địa bàn tỉnh; duy trì cung cấp thông tin qua Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, của các sở, ngành địa phương và hệ thống fanpage trên mạng xã hội Facebook, giúp phóng viên các cơ quan báo chí kịp thời tiếp cận, nắm bắt thông tin chính thống.
Các bài viết phản biện chính sách của báo chí đã giúp các cấp chính quyền kịp thời nắm biết, tiếp thu, điều chỉnh để đảm bảo phù hợp, quyền lợi của người dân.
Nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Quảng Ninh duy trì hợp tác truyền thông với gần 30 cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí mà tỉnh Quảng Ninh lựa chọn để phối hợp tuyên truyền là các cơ quan báo chí có phạm vi tác động lớn, có uy tín, có lượng độc giả đông đảo.
“Tỉnh căn cứ theo tôn chỉ mục đích của từng cơ quan tỉnh lựa chọn đặt hàng các sản phẩm truyền thông tuyên truyền chính sách phù hợp. Đây cũng như một hình thức cam kết, một dạng hợp đồng với quyền, trách nhiệm rõ ràng (ví như trách nhiệm chính trị; trách nhiệm về tài chính, ngân sách; về dịch vụ, kinh doanh…) nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả trong tuyên truyền, chuyển tải chính sách của tỉnh”, bà Hân chia sẻ.
Các cơ quan báo chí hợp tác truyền thông với tỉnh không chỉ là kênh giới thiệu hiệu quả các chủ trương, chính sách của tỉnh Quảng Ninh đến với doanh nghiệp, du khách, mà còn góp phần quan trọng trong việc phản bác các thông tin xấu độc, sai sự thật, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
“Hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành hơn 300 báo cáo tổng hợp thông tin báo chí phản ánh về tỉnh Quảng Ninh, trong đó bao gồm các nội dung, vấn đề tồn tại, bất cập cần được xử lý. Qua báo cáo tổng hợp thông tin báo chí hàng ngày, hàng tuần, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan liên quan xử lý thông tin báo chí phản ánh. Trung bình hàng năm có từ 30 - 50 nội dung tồn tại, bất cập do báo chí phản ánh đã được các cấp chính quyền chỉ đạo xử lý, khắc phục, phản hồi, góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong xã hội”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh cung cấp thêm thông tin.