Trong năm 2024 vừa qua, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể về chuyển đổi số đều được tỉnh quyết tâm, quyết liệt thực hiện và thu về những kết quả đáng ghi nhận.

Người dân sử dụng các thiết bị di động thông minh để thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long.

Trong trục Chính quyền số, đến nay toàn bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh vẫn đang tiếp tục sử dụng, khai thác hiệu quả hệ thống Chính quyền điện tử phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, chuyên môn.

100% các văn bản được xử lý trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật); 91% số hồ sơ giải quyết TTHC được tiếp nhận, giải quyết, trình, ký số và trả kết quả hoàn toàn trên môi trường mạng.

Theo số liệu từ kết quả Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, hiện tổng điểm của tỉnh Quảng Ninh là 77.93/100 điểm, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố.

Trong đó, điểm số về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với giải quyết TTHC của Quảng Ninh đạt khá cao, 17,7/18 điểm.

Trong năm 2024 vừa qua, tỉnh cũng đã tập trung triển khai nhiệm vụ số hóa trong các cơ quan đảng, nhà nước, MTTQ và các đoàn thể tỉnh. Trong đó, ưu tiên trước hết cho việc cập nhật, số hóa dữ liệu văn bản chỉ đạo điều hành, dữ liệu chuyên ngành, hồ sơ CBCCVC, người lao động…

Sở Thông tin và Truyền thông cũng đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh phiên bản 3.0, hướng tới Chính quyền số của tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT Index) của tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đứng vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố với 0,6514 điểm, tăng điểm tương đối đồng đều trong tất cả các chỉ tiêu so với năm trước.

Trong trục Kinh tế số, tỉnh cũng đã hoàn thành được 2 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công và trong nhân dân; 100% các dịch vụ thiết yếu của xã hội như y tế, giáo dục, điện, nước, viễn thông… và 100% TTHC đều chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, tỉnh cũng đã tập trung nâng cao số lượng cài đặt và sử dụng các tiện ích thanh toán trực tuyến đa dạng; mở các điểm thanh toán không dùng tiền mặt đến tất cả các thôn, bản.

Trong năm 2024, tỉnh cũng bắt đầu triển khai đo lường các chỉ số của kinh tế số theo hướng dẫn của Trung ương.

Công an tỉnh tặng điện thoại thông minh và hỗ trợ cài đặt ứng dụng VNeID và các ứng dụng số cơ bản cho người dân huyện Bình Liêu.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2,5 triệu tài khoản ngân hàng cá nhân đang hoạt động, bình quân có 2,5 tài khoản đang hoạt động/người dân từ 15 tuổi trở lên.

Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đã được phổ cập đến 82,6% đối tượng được chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH; 100% đối tượng có nhu cầu chi trả an sinh xã hội; 99,1% thu - nộp ngân sách nhà nước đạt; 97,9% đối tượng thanh toán tiền điện và 90,8% đối tượng thanh toán tiền nước.

Các khoản thu - nộp học phí, viện phí đều đạt tỷ lệ thanh toán trực tuyến cao. Riêng thu phí, lệ phí tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện đạt 100%.

Đặc biệt thiết thực với đời sống người dân, mô hình Chợ 4.0 hiện đã được triển khai tới 19 chợ hạng I, 11 chợ hạng II và 13 chợ hạng III.

Tỷ lệ số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt trung bình 83%...

Để hướng tới xây dựng một môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp, thời gian qua, Quảng Ninh cũng đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để phát triển Xã hội số theo hướng thân thiện, gần gũi với người dân.

Trong đó, nổi bật là việc đẩy mạnh sử dụng, khai thác trang Official Account (OA) Zalo theo hướng dẫn tại Bộ chỉ số đo lường chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh phiên bản 1.0.

Các trang OA Zalo của các cấp chính quyền, các đơn vị, tổ chức đã phục vụ đắc lực công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức và đặc biệt là tạo thuận lợi cho người dân trong việc tương tác với chính quyền, đơn vị, tổ chức trong đời sống hằng ngày.

Cùng với đó, để các dịch vụ công trực tuyến ngày càng phổ biến trong đời sống người dân, tỉnh đã phối hợp tốt với các đơn vị viễn thông trong việc triển khai ứng dụng chữ ký số công cộng miễn phí.

Đến nay, đã có hơn 42.000 chữ ký số cá nhân được các đơn vị viễn thông cung cấp miễn phí cho người dân để thực hiện nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến.

Tỉnh cũng hoàn thành tích hợp chữ ký số, sim ký số và dịch vụ ký số công cộng trên Cổng dịch vụ công để cho phép người dân ký số điện tử; tích hợp thành công chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ tại các bước theo quy trình xử lý hồ sơ lên Hệ thống phần mềm một cửa điện tử phục vụ quá trình liên thông, giải quyết TTHC, luân chuyển hồ sơ điện tử…

Các ngân hàng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt cho người dân huyện Tiên Yên.

Đặc biệt, trong năm 2024, Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc số hóa dữ liệu và gắn mã QR về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ, di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh.

Nổi bật trong đó là hoạt động của Đoàn thanh niên TP Đông Triều số hóa địa chỉ đỏ nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại khu mỏ Quảng Ninh (phường Mạo Khê) bằng công nghệ VR360; Đoàn Thanh niên TX Quảng Yên gắn mã QR thông tin giới thiệu 19 điểm di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trên địa bàn…

Các đơn vị tuyến biên giới cũng tiếp tục phối hợp với tổ chức Đoàn địa phương tuyên truyền, cài đặt mã QR thuyết minh về các cột mốc chủ quyền biên giới…

Những kết quả khả quan trong chuyển đổi số thu về trong năm 2024 vừa qua chắc chắn sẽ là tiền đề vững chắc để Quảng Ninh tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; thay đổi tích cực phương thức sống, làm việc của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.

 Theo Song Hà (Báo Quảng Ninh)