Thành phố thông minh là mô hình mới, ứng dựng những thế hệ mới nhất của công nghệ thông tin cùng với các giải pháp đồng bộ được đưa vào áp dụng tới từng đơn vị, tổ chức trong thành phố, tạo ra một hệ thống điều hành quản lý thông minh nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ công, các ngành kinh tế xã hội trong toàn tỉnh, tạo ra các tiện ích lớn cho mọi người dân. Hiện nay, phát triển đô thị thông minh đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm áp dụng như: Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc… và trở thành một xu hướng cạnh tranh giữa các nước.

Ngày 20/12/2018, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Viettel Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo chủ đề “Thành phố thông minh và công dân điện tử”. Đảng và Chính phủ xác định chủ trương phát triển đô thị thông minh từ năm 2015. Tính đến hết tháng 11/2017, đã có 27 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ký kết hợp tác chiến lược với các tập đoàn viễn thông để xây dựng đô thị thông minh. 

Tại hội thảo, các đơn vị đưa ra nhiều giải pháp như: giải pháp tổng thể về thành phố thông minh, xây dựng công dân điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục và đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế… Trong đó, nội dung các giải pháp đã chỉ ra những thuận lợi, thách thức và đưa ra những kiến nghị, đề xuất giải pháp để phù hợp với điều kiện của Quảng Ngãi.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Đặng Ngọc Dũng đánh giá cao các tham luận được trình bày tại hội thảo, đồng thời bày tỏ quyết tâm của tỉnh trong xây dựng mô hình thành phố thông minh trong tương lai. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, việc xây dựng thành phố thông minh và công dân điện tử đang được quan tâm tại các tỉnh thành, song khó khăn hiện nay là chưa có chiến lược, hình mẫu cụ thể để tiến tới áp dụng xây dựng thành phố thông minh tại địa phương, hệ thống hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, còn thấp so với quy chuẩn, cơ sở dữ liệu về đô thị còn hạn chế…

Do vậy, để xây dựng thành phố thông minh, tỉnh cần có một lộ trình lâu dài và đòi hỏi phải có kế hoạch dài hạn ngay từ bước đầu triển khai. Đặc biệt, cần phải nhìn nhận rõ vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân trong việc xây dựng thành phố thông minh. Doanh nghiệp phải đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển đô thị và người dân chính là trung tâm của mọi hoạt động của thành phố thông minh. Bởi, nếu người dân không nắm được thông tin; không được trang bị kiến thức để trở thành công dân điện tử thì việc xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử trở nên vô nghĩa. 

Phó Chủ tịch đề nghị Viettel Quảng Ngãi, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành liên quan trước mắt cần ưu tiên khai thác, vận dụng nguồn lực, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông sẵn có, vận hành có hiệu quả mô hình một cửa đã có ở các ngành, địa phương, phát triển chữ ký số, chứng thư số và chia sẻ, khai thác có hiệu quả Trung tâm tích hợp dữ liệu. Triển khai thí điểm các mục tiêu ngắn hạn, nhưng phải đáp ứng các tiêu chuẩn dài hạn trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch…