Theo tổng kết của UBND tỉnh Quảng Ngãi về kết quả thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về Công tác dân tộc, sau khi Nghị định được ban hành, UBND tỉnh đã triển khai, chỉ đạo các sở, ban ngành và các địa phương tổ chức nghiên cứu, quán triệt và tuyên truyền trong hệ thống chính trị và nhân dân để thực hiện công tác dân tộc với nhiều hình thức tương đối đa dạng và phong phú.

{keywords}
 

Đã hoàn thành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các DTTS

Trong đó, đối với lĩnh vực chính sách Bảo tồn và phát triển văn hóa, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 5052/KH-UBND ngày 20/12/2013 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với văn hóa, thông tin; phối hợp tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân để từng bước xóa bỏ hủ tục, luật tục lạc hậu, không còn phù hợp; kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các hủ tục, luật tục mới phát sinh, không để xảy ra mâu thuẫn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Đã hoàn thành việc tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Có 95,5% số thôn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh có nhà sinh hoạt văn hóa (nhà sinh hoạt cộng đồng thôn) và tự chủ các chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa thực hiện.

Hỗ trợ phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Hrê, thực hiện hoàn thành Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ; xây dựng mô hình làng văn hóa - du lịch đặc trưng gắn kết phát triển du lịch với các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Việc khai thác, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng và phát huy vai trò của di sản văn hóa trong xây dựng và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số được quan tâm bước đầu.

Trong giai đoạn này, Quảng Ngãi đã tổ chức 5 đợt Liên hoan Cồng chiêng, đàn và hát dân ca các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi vào các năm: 2012, 2014, 2016, 2018, 2020; 6 đợt Liên hoan văn nghệ quần chúng tỉnh Quảng Ngãi vào các năm 2011, 2013, 2015, 2017, 2019, 2021.

Về số lượng nghệ nhân thuộc các loại hình văn hóa phi vật thể các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong: Qua thống kê năm 2017, trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi có 333 cá nhân có phẩm chất đạo đức, có tài năng xuất sắc, hiện đang gìn giữ, trao truyền, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và 03 Nghệ nhân nhân dân, 19 Nghệ nhân ưu tú là người dân tộc thiểu số được Chủ tịch nước phong tặng qua 03 đợt xét, phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”.

{keywords}

Đồng bào dân tộc Hrê với đàn Vinh-Vút 

Tỉnh đã tổ chức Đoàn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên là người dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động giới thiệu văn hóa tại các sự kiện: Ngày hội văn hóa các dân tộc do Vụ Văn hóa dân tộc - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ở các địa phương trong cả nước như tại tỉnh Lâm Đồng năm 2014; Liên hoan trình diễn cây nêu tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam năm 2017 (trong khuôn khổ Festival di sản Quảng Nam);

Tham gia giới thiệu và trình diễn dệt thổ cẩm tại Festival Làng nghề truyền thống Huế năm 2017; tham gia các hoạt động Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung, lần thứ II, năm 2015 tại tỉnh Nghệ An, lần thứ III, năm 2018 tại tỉnh Quảng Nam; tham gia các hoạt động Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số 05 tỉnh vùng biên giới Việt - Lào, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, năm 2019;

Đã tổ chức Đoàn 05 nghệ nhân, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia Hội nghị gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2019.

V.v...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế, nhất là: Chưa nhận diện, đánh giá đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn; nhà sàn truyền thống và việc sử dụng trang phục truyền thống các dân tộc ngày càng ít dần; sinh hoạt văn hóa truyền thống với dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số ngày càng bị mai một, một số nhạc cụ như đàn nước, đàn gió... vẫn chưa được khôi phục.

Ngoài ra, số lượng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số còn ít; nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao vùng dân tộc thiểu số còn thiếu thốn, lạc hậu và chắp vá, một số loại hình thiết chế văn hóa đưa vào hoạt động hiệu quả chưa cao...

Vân Anh
Ảnh: Đàm An