Mặt tiền hướng ra Biển Đông
Quảng Ngãi là tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có diện tích 5.131 km2, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ.
Tỉnh có 13 huyện, thị xã và thành phố; trong đó, có 4 huyện, thị xã, thành phố ven biển và huyện đảo Lý Sơn mang vẻ đẹp hoang sơ, hiếm có.
Với lợi thế sở hữu mặt tiền hướng ra Biển Đông, tỉnh Quảng Ngãi có 130km chiều dài đường bờ biển, với 6 cửa biển: Sa Cần, Sa Kỳ, Cổ Lũy, Cửa Lở, Mỹ Á và Sa Huỳnh; có cảng biển nước sâu Dung Quất; có truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng hào hùng.
Hệ thống giao thông của tỉnh thuận tiện (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không), cửa ngõ ra biển của Hành lang Đông-Tây nối với tuyến hàng hải quốc tế qua biển Đông; có Khu kinh tế Dung Quất - khu kinh tế đầu tiên của cả nước, cảng Dung Quất có khả năng tiếp nhận tàu 100.000 DWT.
Những đặc điểm và vị trí quan trọng đó là tiềm năng to lớn và lợi thế so sánh để tỉnh Quảng Ngãi phát triển các ngành kinh tế gắn với biển, đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nhận thức được tiềm năng, lợi thế so sánh về biển của tỉnh Quảng Ngãi, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế gắn với biển, đảo như sau:
Phát triển các ngành kinh tế biển và ven biển
Trong chiến lược phát triển của mình, Quảng Ngãi chú trọng phát triển du lịch gắn với hội nghị, hội thảo, kết hợp đưa các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư nhằm quảng bá, thu hút nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư, tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng. Xây dựng và quảng bá hình ảnh thiên nhiên, vùng biển, đảo và con người Quảng Ngãi. Phát triển du lịch trên huyện đảo Lý Sơn theo hướng du lịch xanh, sinh thái và được công nhận là Khu du lịch quốc gia; Chú trọng liên kết tạo chuỗi giá trị giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại, như vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin....
Việc quy hoạch, đầu tư, khai thác hiệu quả các cảng biển gắn với phát triển dịch vụ logistics cũng được quan tâm; đầu tư tuyến đường Dốc Sỏi - sân bay Chu Lai, tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics; phát triển cảng nước sâu Dung Quất trở thành một trong những cảng có quy mô lớn của quốc gia; khai thác hiệu quả cảng Sa Kỳ và cảng Bến Đình. Nghiên cứu đầu tư tuyến đường từ quốc lộ 24C đến đường Trường Sơn Đông tạo trục giao thông kết nối với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào; kêu gọi đầu tư xây dựng hình thành tuyến container trung chuyển quốc tế tại Khu kinh tế Dung Quất.
Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, trong đó ưu tiên và khuyến khích phát triển sản xuất thủy sản hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chuyển đổi số, tạo ra sản phẩm có giá trị cao; đồng thời, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt. Bổ sung, ban hành chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển, trên biển với mô hình quản lý phù hợp.
Củng cố, phát triển các hợp tác xã dịch vụ, nghiệp đoàn nghề cá; khuyến khích phát triển đội tàu hậu cần nghề cá, liên doanh, liên kết để thực hiện chuỗi liên kết khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản bảo đảm chất lượng sản phẩm; hỗ trợ ngư dân cải hoán, đóng mới tàu có công suất lớn, hiện đại; cơ cấu lại tàu thuyền, tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản theo hướng bền vững, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản và khả năng phục hồi hệ sinh thái biển.
Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão gắn với các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá. Ưu tiên đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp ven biển; phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm thủy sản xuất khẩu; khôi phục và phát triển các nghề chế biến thủy sản truyền thống nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Tỉnh chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; phát triển công nghiệp nặng có quy mô lớn, phát triển các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sạch tại các khu công nghiệp; thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp: cơ khí chế tạo, năng lượng, chế biến, các ngành kinh tế biển mới. Từng bước khôi phục, phát triển hợp lý ngành công nghiệp đóng tàu; nâng cao năng lực các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, cải hoán tàu vỏ thép, com-po-sit và vật liệu mới chất lượng cao, đủ khả năng khai thác xa bờ.
Thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo theo quy hoạch, không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát, gây quá tải lưới điện khu vực và hậu quả xấu sau này. Đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ để phát triển các ngành kinh tế mới, chế biến một số sản phẩm dựa trên tài nguyên đa dạng sinh học biển, như dược liệu, thực phẩm chức năng, chế biến rong, tảo, cỏ biển, các phụ phẩm thủy sản,...
Phát triển trung tâm logistics khu vực cảng biển Dung Quất
Tỉnh tập trung thúc đẩy hai động lực phát triển của tỉnh là Khu kinh tế Dung Quất và Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.
Theo đó, Khu kinh tế Dung Quất sẽ sớm có "tấm áo mới" trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, với trọng tâm là các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao. Huy động nguồn lực xây dựng, phát triển trung tâm logistics khu vực cảng biển Dung Quất.
Ở đây sẽ sớm hình thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất;phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch, đầu tư phát triển chuỗi đô thị ven biển và đảo với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từng bước hình thành các khu đô thị, du lịch, dịch vụ sinh thái ven biển, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các đô thị dọc theo tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh. Tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh bảo đảm tiến độ, sớm thực hiện hoàn thành toàn bộ tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh để khai thác lợi thế phát triển kinh tế biển.
Chủ động ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu
Tăng cường trang thiết bị giám sát, cảnh báo về chất lượng môi trường, ứng phó sự cố môi trường; nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường; kiểm soát nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn về môi trường đối với các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các nguồn gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các sự cố gây ô nhiễm môi trường ở khu vực ven biển, hải đảo của tỉnh; đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội để bảo vệ môi trường.
Triển khai kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; lập báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo tỉnh Quảng Ngãi và phối hợp với các ban, sở, ngành, địa phương có liên quan trong quản lý, cấp giấy phép nhận chìm ở biển, xả nước thải vào môi trường biển, giao khu vực biển, tổ chức quản lý hành lang bảo vệ bờ biển để khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường biển.
Đầu tư trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển và đảo Lý Sơn; nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường; chú trọng công tác phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái biển; nâng cao hiệu quả quản lý của Khu bảo tồn biển Lý Sơn. Điều tra, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản vùng biển ven bờ để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản phục vụ công tác quản lý và dự báo ngư trường nhằm khai thác thủy sản bền vững.
Phát triển văn hóa - xã hội khu vực ven biển, đảo
Quảng Ngãi quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn các di tích lịch sử, di sản văn hóa trong cộng đồng dân cư ven biển, đảo; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử của địa phương, tri thức tốt đẹp trong ứng xử với biển.
Chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân ở khu vực ven biển, đảo. Tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến trong phát triển kinh tế biển. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học vào phát triển các ngành kinh tế biển.
Ngăn chặn các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Triển khai các chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động vùng ven biển, đảo để nâng cao đời sống cho người dân.
Từ lợi thế cạnh tranh có "mặt tiền" hướng ra biển, có Khu kinh tế Dung Quất... tỉnh đã xây chiến lược phát triển mạch lạc, rõ ràng. Đặc biệt tỉnh xác định tâm thế tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, chắn chắn, Quảng Ngãi sẽ đạt mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.
Hải Đông