Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, du lịch, nhưng chưa được đánh thức, khai thác và phát triển tương xứng. Trong thời gian đến, khu vực này sẽ là điểm sáng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội

Tính đến thời điểm hiện tại, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Ngãi có 57 hợp tác xã. Trong đó, có 46 hợp tác xã đang hoạt động với gần 1.000 thành viên (người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 70%). 

Để các hợp tác xã khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, đưa sản phẩm đặc sản của đồng bào đến với thị trường trong và ngoài tỉnh, tỉnh Quảng Ngãi đã dành hơn 145 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các hợp tác xã, doanh nghiệp thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư. 

W-miennui-1.png
Một góc miền núi tỉnh Quảng Ngãi

Hiện nay, các hợp tác xã kiểu mới ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi đang chuyển đổi phương thức sản xuất, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động. Với phương thức làm ăn mới, nhiều kiểu mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết phát triển sản xuất, với nhiều mô hình mới được nhân rộng, góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, lan tỏa sản phẩm đến với thị trường trong, ngoài tỉnh.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm, hợp tác xã đã đẩy mạnh liên kết với các siêu thị, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, đăng ký thương hiệu, nhãn mác. Đến thời điểm này, tất cả những sản phẩm của hợp tác xã đều có đầu ra ổn định. Đặc biệt, sản phẩm của một số hợp tác xã đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đánh giá, phân hạng đạt 3 sao, như ớt xiêm rừng ngâm dấm, chuối hột rừng sấy khô... những sản phẩm này đã được thị trường trong, ngoài tỉnh chấp nhận và đánh giá cao. 

Một số sản phẩm của các hợp tác xã đã xây dựng được nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận VietGAP như ớt xiêm, ổi, gạo lúa rẫy, măng nứa... Nhiều sản phẩm của một số hợp tác xã đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh, phân hạng đạt 3 sao như ớt xiêm rừng ngâm dấm, chuối hột rừng sấy khô... 

Bên cạnh những mặt tích cực, thì hợp tác xã ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh quy mô còn nhỏ, số lượng thành viên ít, nguồn vốn thấp nên chưa tạo ra được các sản phẩm chất lượng với quy mô lớn. Để các hợp tác xã này phát triển bền vững thì rất cần có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi của nhà nước, nhất là nguồn vốn.

Để các hợp tác xã phát triển theo hướng bền vững, ngoài sự nỗ lực trong nội tại của hợp tác xã, rất cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn và quỹ đất để hợp tác xã có cơ sở sản xuất. Được biết, tỉnh Quảng Ngãi đã dành hơn 145 tỷ đồng từ nguồn vốn mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, giúp các hợp tác xã phát triển. 

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi kỳ vọng, với sự trợ lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số  và miền núi năm 2023, các hợp tác xã sẽ phát huy hơn nữa vai trò, vị thế, tiếp tục liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đây là thời cơ tốt để các hợp tác xã tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển.

Nhóm PV