Cột mốc đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của nghề dệt làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi là năm 2019, Nhà nước đầu tư Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn làng Teng với kinh phí 10,5 tỷ đồng. Đồng thời lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề dệt làng Teng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Đây cũng là thời gian mạng xã hội phát triển mạnh, những cô gái trẻ ở làng bắt đầu quảng bá sản phẩm của mình và gia đình lên Facebook. Dần dần, thổ cẩm làng Teng trở thành một từ khóa "hot" ở Quảng Ngãi. Nhiều bạn trẻ đi học, đi làm xa... cũng trở về làng để nối nghề.

capture.jpg
Hiện đã có 70 hộ dân H'rê làm nghề dệt thổ cẩm.

Từ những sản phẩm thủ công truyền thống đơn điệu như áo, váy, khăn, bây giờ những sản phẩm thổ cẩm H'rê đã vô cùng đa dạng. Không chỉ quần áo, khăn, khố đơn thuần mà còn có túi xách, cà vạt, áo dài, trang phục đám cưới, đồ cách tân… Tất cả đều được làm ra một cách độc đáo và phù hợp với thị hiếu, trong khi vẫn giữ gần như nguyên bản sắc màu, họa tiết hoa văn...

Những thợ dệt trẻ cũng đã cải tiến thổ cẩm thành những sản phẩm phù hợp xu thế như váy, áo hai dây, đầm xẻ... để đáp ứng yêu cầu thị trường. Thời gian qua, cà vạt, khăn quàng, khăn trải bàn làm từ thổ cẩm H'rê được UBND tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn để làm quà tặng, quảng bá đến nhiều nước, như Thụy Sĩ, Italia, Anh, Đức…

Theo ông Phạm Văn Thước, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Thành, làng Teng đã thành lập tổ dệt sinh hoạt định kỳ hằng tháng tại nhà văn hóa để chia sẻ kinh nghiệm dệt, liên kết làm sản phẩm cho khách hàng. Nhờ đó, ngày càng nhiều phụ nữ làng Teng biết dệt, hiện đã có 70 hộ H'rê làm nghề dệt thổ cẩm.

Những năm qua, phụ nữ làng Teng thường được ngành văn hóa mời đi dự các Festival làng nghề truyền thống. Chính quyền địa phương cũng đã đề xuất tới Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Ba Tơ triển khai việc sử dụng tên địa danh làng Teng để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể Dệt thổ cẩm làng Teng.

Khánh Vy