Đó là thông tin từ Giám Đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết tại diễn đàn Khởi nghiệp du lịch – Hướng phát triển xanh và bền vững tổ chức chiều 7/11.
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam Văn Bá Sơn, tại địa phương có nhiều mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch hình thành, phát triển và đã nhận được sự đánh giá cao của du khách và người mua. Các mô hình này đã có đóng góp tích cực trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch nông thôn, cũng như góp phần giới thiệu về những sản phẩm đặc trưng của tỉnh và văn hóa Quảng Nam.
“Chúng ta có thể thấy, phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn - là những điểm đến khó có thể bỏ qua trong hành trình du lịch của du khách tại Việt Nam. Trong khi Mỹ Sơn đã và đang thu hút ổn định lượng khách du lịch quốc tế thì liên tiếp những năm gần đây, đô thị cổ Hội An đã được các tổ chức du lịch uy tín trên thế giới lựa chọn là điểm du lịch văn hóa hàng đầu trong khu vực.
Và mới đây, UNESCO đã kết nạp Hội An chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của Tổ chức trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Đây được xem là cơ hội để có thể phát triển thêm các sản phẩm du lịch vệ tinh, bổ sung cho các điểm đến du lịch chính của Quảng Nam”, ông Sơn nói.
Người sáng lập dự án Làng Củi Lũ, ông Lê Ngọc Thuận kể về câu chuyện xây dựng mô hình nâng cấp tượng gỗ lên một tầm cao mới.
“Việc điêu khắc tượng gỗ không còn mới trong thời đại hiện nay. Nhưng với Làng Củi lũ, đây là một câu chuyện hành trình về thanh củi từ thượng nguồn xuống đến hạ nguồn trong cơn lũ.
Dưới bàn tay khéo léo của những nghệ nhân địa phương, những thanh củi, khúc gỗ vô tri trở thành những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao và có giá trị ứng dụng trong đời sống hằng ngày, tại khách sạn và nhà hàng, cũng như làm quà lưu niệm.
Qua đó, thông điệp bảo vệ môi trường, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng được truyền tải”, ông Thuận chia sẻ.
Tại đây, trung tâm trưng bày giới thiệu lịch sử hình thành của làng nghề truyền thống, tổ chức “workshop”, vừa là không gian kết nối sáng tạo, giao lưu quốc tế, trình diễn làng nghề.
Trung tâm đào tạo giáo dục về làng nghề cho người dân địa phương nhằm bắt kịp xu hướng và công nghệ của thế giới. Trung tâm mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ địa phương tiếp cận khách du lịch. Đây cũng là phương thức xuất khẩu tại chỗ. Qua đó, sản phẩm có thể được bán trong nước và quốc tế.
Xây dựng hệ thống du lịch thông minh giúp du khách dễ dàng trải nghiệm
Giám Đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng thông tin, việc áp dụng chuyển đổi số vào khởi nghiệp du lịch, hướng phát triển xanh và bền vững đang là một trong những định hướng quan trọng mà địa phương đang hướng đến nhằm thu hút khách du lịch.
“Chúng tôi đã và đang xây dựng hệ thống du lịch thông minh bao gồm các trang web, ứng dụng để xây dựng mạng lưới du lịch trên toàn tỉnh. Cùng với đó, vận động các doanh nghiệp du lịch xây dựng mô hình theo hướng xanh, từ đây, tích hợp trực tiếp vào hệ thống du lịch chung của toàn tỉnh”, ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, sở đang xây dựng dữ liệu số của ngành, đây là điều quan trọng giúp chính quyền dễ dàng trong việc quản lý, đưa ra những chính sách, hoạch định cụ thể, hướng đi đúng. Phần nữa, doanh nghiệp khởi nghiệp có dữ liệu để tìm kiếm khách hàng mục tiêu chính xác hơn. Và dữ liệu số này giúp du khách dễ dàng tìm kiếm những nhu cầu của bản thân như tour, trải nghiệm, ăn uống…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu khẳng định, tỉnh chú trọng khởi nghiệp du lịch xanh trong thời gian qua và phát triển trong thời gian đến.
“Tỉnh chủ trương năm 2024 là năm đa dạng sinh học, sẽ có nhiều chương trình hướng đến trực tiếp du lịch xanh từ rừng xuống biển”, ông Bửu nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các cơ quan chức năng huyện thị, doanh nghiệp, diễn giả, doanh nghiệp tham mưu tỉnh những cơ chế, chính sách thuộc về tỉnh hỗ trợ được cho lĩnh vực khởi nghiệp du lịch xanh. Từ đó, xây dựng lên hành lang pháp lý đủ mạnh để phát triển du lịch xanh.