Ông Võ Xuân Ca, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng là cơ quan soạn thảo Đề án, các tổ chức chính trị- xã hội và các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, người uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS),...
Trước đó, vào ngày 15 và 16/7, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị tham vấn ý kiến nhân dân đối với dự thảo Đề án tại huyện Bắc Trà My và huyện Tây Giang, lắng nghe hơn 20 ý kiến của các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và người uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân cư miền núi.
Những ngôi nhà tan hoang sau lũ quét, sạt lở tại Nam Trà My, Quảng Nam |
Đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân
Tỉnh Quảng Nam có 09 huyện miền núi với khoảng 330.404 người, chiếm 22% dân số toàn tỉnh. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có khoảng 139.060 người.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách tập trung đầu tư cho sự phát triển kinh tế - xã hội miền núi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân miền núi được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, qua thực hiện cơ chế cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Bên cạnh đó, diễn biến thiên tai, đặc biệt là bão, lũ (lũ ống, lũ quét), sạt lở đất (nhất là sạt lở đất núi) thời gian qua trên địa bàn miền núi của tỉnh diễn biến rất phức tạp, khó lường. Nhu cầu bố trí dân cư trên địa bàn miền núi còn nhiều, trong đó có gần 2.400 hộ vùng thiên tai cần phải di dời khẩn cấp, bố trí sắp xếp để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.
Vì vậy, việc sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư miền núi của tỉnh trong thời gian tới là rất cấp thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của người dân.
Để dự thảo Đề án sau khi ban hành đảm bảo tính phù hợp và khả thi, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã tổ chức các hội nghị tham vấn ý kiến các vị có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiếu số trước khi tổ chức phản biện xã hội.
Tại các hội nghị, đa số các ý kiến cho rằng dự thảo Đề án nếu được ban hành sẽ đáp ứng nhu cầu nguyện vọng người dân. Hy vọng, Đề án khi ban hành tiếp tục phát huy những ưu điểm của các chủ trương, chính sách trước đây như: Nghị quyết 30a/NQ-CP, Chương trình 135 của Chính phủ,... đồng thời bổ sung, sửa đổi những điều bất hợp lý, chưa hiệu quả.
Mặt khác, nhiều ý kiến thống nhất nên thay đổi tên Đề án thành “Hỗ trợ kinh phí sắp xếp dân cư dân cư vùng miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025”, với nội hàm hẹp hơn, dễ thực hiện hơn.
Tây Giang, Quảng Nam chịu ảnh hưởng của mưa lũ |
Làm sao phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm
Tại hội nghị lần này, đa số các ý kiến thống nhất đây là một đề án liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người đồng bào vùng miền núi, khi ban hành chắc chắn người dân phấn khởi và quyết tâm thực hiện. Đồng thời các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn có thể gặp phải cũng như kiến nghị những giải pháp để triển khai hiệu quả Đề án.
Ông ChơRum Nhiên, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho rằng giai đoạn thực hiện Đề án trong vòng 5 năm với một mục tiêu như vậy là quá cao liệu có thực hiện hoàn thành không? Vì vậy trong quá trình triển khai dự án cần xem xét nơi nào có nguy cơ lũ lụt thì ưu tiên làm trước trong khoảng thời gian từ 1 - 2 năm phải hoàn thành.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Lưỡng, nguyên Bí thư xã Trà Don, huyện Nam Trà My, việc xây dựng Đề án phải làm sao đảm bảo tính phù hợp với phong tục, tập quán miền núi cao để người dân sinh sống. Quan trọng là các điều kiện về nước sạch sinh hoạt, đất sản xuất, nhà vệ sinh đảm bảo môi trường, trường học, đường dân sinh, mỗi nóc cần có ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng kiên cố để người dân vừa làm nơi sinh hoạt cộng đồng vừa làm nơi trú ẩn khi lũ, bão…
Ông Huỳnh Tấn Sâm, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My cho rằng, thời gian qua nhiều chủ trương, chính sách của Chính phủ, chính quyền đề ra vì sự phát triển miền núi đáng ghi nhận nhưng hiệu quả chưa đạt được như mong muốn, nhất là vấn đề bố trí sắp xếp định cư chưa mang tính tập trung, khép kín, đồng bộ.
Do đó, ông đề nghị các nhà nghiên cứu, các ngành chuyên môn nên thành lập tổ công tác đi khảo sát, tìm ra nguyên nhân vì sao xảy ra những vụ sạt lở ở những ngôi làng mà lâu nay nhân dân vẫn sống ổn định. Từ đó có đánh giá chính xác về tác động môi trường, quy hoạch những mặt bằng vừa đảm bảo an toàn lâu dài cho nhân dân vừa đảm bảo định cư gắn với định canh.
Bên cạnh đó, Đề án cần đưa ra những giải pháp đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, mức hỗ trợ cho người dân di dời phải phù hợp thực tế, đủ để người dân xây dựng ngôi nhà vững chắc không phải làm đi làm lại vừa tốn kém vừa không hiệu quả.
Theo ông, đặc điểm địa hình vùng núi dốc đứng huyện Bắc Trà My nên thực hiện bố trí dân cư xen ghép là hợp lý, vừa ổn định phong tục tập quán, dân cư không bị xáo trộn, giữ được văn hóa truyền thống vừa giải quyết vấn đề quỹ đất và tiết kiện ngân sách đầu tư hạ tầng.
Ông Bh’riu Liếc, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang đánh giá, khó khăn nhất khi thực hiện Đề án là vùng núi cao hiện nay gần như không có diện tích đất bằng tự nhiên đủ để đầu tư phát triển lâu dài dân cư.
Do đó, để có mặt bằng bố trí dân cư tập trung thì buộc phải khảo sát tìm vị trí thích hợp, an toàn và thực hiện san ủi. Tiếp đến Nhà nước đầu tư đồng bộ thực hiện hệ thống nước sạch sinh hoạt, nước thải, nước sản xuất, điện, đường, trường, cột thu lôi…, người dân thực hiện việc làm nhà ở, nhà vệ sinh,… Làm như vậy sẽ đồng bộ, giá thành rẻ, bền vững, hình thành nên những cụm dân cư tập trung đẹp mắt, tính kết cấu văn hóa làng được nâng cao.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nhìn nhận, để đảm bảo thực hiện đạt hiệu quả mục tiêu của đề án cần có cơ chế cho lồng ghép các nguồn huy động khác để hỗ trợ cho người dân khi di dời, xen cư, xây dựng lại nhà. Xác định bố trí tập trung hay xen ghép phải tùy thuộc vào đặc điểm từng địa phương, không nên quy định cứng nhắc.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài chính nêu ý kiến, Đề án sắp xếp dân cư luôn đi hai phương án song song, cơ bản là thực hiện xen ghép dân cư nhưng nếu cấp thiết cũng cần phải san lấp mặt bằng làm dân cư tập trung tùy thuộc vào tình hình quỹ đất và điều kiện thực tế tại mỗi địa phương. Vì vậy khi thực hiện đề án cần phải khảo sát thực tế một cách chặt chẽ để giải quyết chế độ chính sách hài hòa, tập trung, tránh trùng lắp, theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo quyền lợi ích chính đáng của người dân.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca khẳng định, Hội nghị sẽ ghi nhận những ý kiến của các vị uy tín tiêu biểu, các vị lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo có tâm huyết vì sự phát triển vùng miền núi. Những ý kiến sẽ được tổng hợp, tiếp thu có chọn lọc chuyển đến cơ quan soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh để Đề án khi trình ban hành đảm bảo tính hiệu quả, khả thi và giải quyết được vấn đề cấp thiết hiện nay là phòng, chống thiên tai, bảo đảm tính mạng người dân và ổn định cuộc sống dân cư.
Lê Hạnh
Ảnh: Đàm An