Tây Giang là huyện biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, trong đó, 8/10 xã có cùng đường biên giới với nước bạn Lào dài 76km. Cái khó của Tây Giang là địa hình đồi núi hiểm trở, đồng bào lại quen với cuộc sống riêng lẻ, rải rác trên các triền núi, ven suối, nên rất khó phát triển kinh tế.
Nhưng với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, bộ mặt nông thôn miền núi Tây Giang (Quảng Nam) đã có nhiều đổi thay. Để có được thành quả đó, không thể không kể đến hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Giai đoạn 2021 - 2023, vốn đầu tư phát triển được ngân sách bố trí gần 46 tỷ đồng; trong đó vốn cần giải ngân 21,8 tỷ đồng, đến ngày 31/1/2024 giải ngân đạt 71,01%. Vốn sự nghiệp 16 tỷ đồng; trong đó vốn cần giải ngân 9,7 tỷ đồng, đến ngày 31/1/2024 giải ngân đạt 49,15%.
Năm 2024, huyện Tây Giang đã phân bổ và giao chủ đầu tư 9 công trình khởi công mới; thanh toán khối lượng cho 15 công trình chuyển tiếp với tổng vốn đầu tư bố trí 10,6 tỷ đồng, trong đó vốn cần giải ngân 15,8 tỷ đồng, đến thời điểm này giải ngân đạt 13,09%.
Đối với 3 xã đã đạt chuẩn NTM gồm A Nông, A Tiêng và Lăng, qua rà soát hiện xã A Nông rớt 1 tiêu chí (thu nhập), xã A Tiêng rớt 4 tiêu chí (nhà ở dân cư, thu nhập, nghèo đa chiều, y tế), xã Lăng rớt 4 tiêu chí (thu nhập, nghèo đa chiều, y tế, môi trường). Năm 2025, Tây Giang phấn đấu đạt thêm 2 xã NTM gồm Bha Lêê và A Xan.
Đối với xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, năm 2023 Tây Giang phê duyệt duy trì đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu đối với thôn Tr’lêê (xã A Tiêng) và đang tổ chức thẩm định xét công nhận 7 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Năm 2024, huyện tiếp tục giao các xã xây dựng 10 thôn NTM kiểu mẫu.
Không những thế, huyện Tây Giang còn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng NTM; cụ thể, đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số, đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng NTM. Đầu tư hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông cấp xã.
Việc thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn như xây dựng số hóa, bản đồ số nông nghiệp nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ; thực hiện quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông nghiệp, nông thôn cũng được quan tâm triển khai.
Hướng tới mục tiêu xây dựng NTM thông minh, Tây Giang phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% xã NTM đạt chuẩn tiêu chí về thông tin và truyền thông, đạt chỉ tiêu của tiêu chí về hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao…