Tại huyện Tây Nam, Quảng Nam thời gian qua cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các trường hợp mua bán, nuôi nhốt và vận chuyển trái pháp động vật hoang dã.

Từ tháng 6/2023, Công an huyên Tây Giang xác định một đường dây mua bán vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm nên đã lập chuyên án điều tra vụ việc. Cơ quan công an đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ thu thập tài liệu, chứng cứ đấu tranh, triệt phá. Xác định đối tượng tại xã Bhalêê có hành vi mua bán động vật trái phép. Đối tượng cùng đồng bọn sử dụng các thủ đoạn tinh vi nhằm qua mắt các cơ quan công an điều tra.

Đến ngày 3/10, Công an huyện Tây Giang đã kiểm tra đột xuất, phát hiện và bắt quả tang Võ Thị Thu Hoài (SN 1988, trú xã Bhalêê, huyện Tây Giang) cùng Lưu Phúc Chiến (SN 1990, trú xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) đang thực hiện hành vi mua bán trái phép động vật hoang dã tại nhà của Hoài tại thôn Azứt.

bao ve dvhd.png
Tuyên truyền cho cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã. 

Tang vật thu giữ bao gồm nhiều cá thể động vật quý hiếm bao gồm 1 cá thể rùa khối lượng 0,2kg còn sống, 1 cá thể rùa khối lượng 0,75kg còn sống, 2 cá thể chồn khối lượng 1,8kg. Cơ quan công an đã củng cố hồ sơ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Nam cũng đã phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Hùng (50 tuổi, trú xã Bhalêê, huyện Tây Giang) đang nuôi nhốt 1 cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung, 11 cá thể rùa núi viền. Ngoài ra, đường dây của Hùng cũng bị phát hiện khi vận chuyển động vật mang đi tiêu thụ bao gồm 1 cá thể tê tê còn sống có trọng lương 4,2kg, 1 cá thể mang đã chết có trọng lượng 20kg.

Tây Giang là huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam, huyện có hơn 90.000 ha rừng với hơn 70% diện tích là rừng tự nhiên có nhiều động, thực vật quý hiếm. Đặc biệt là hệ thực vật với gỗ Lim, Đỗ quyên, Dổi, Pơ mu. Trong đó, có nhiều cây có tuổi đời đến gần 1.000 năm tuổi. 

Nhiều năm nay đây cũng là địa phương xuất hiện tình trang mua bán động vật hoang dã phổ biến. Thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, dùng nhiều phương thức liên lạc để qua mặt cơ quan chức năng.

Từ khi thành lập, lực lượng kiểm lâm của huyện Tây Giang phát hiện, xử lý 267 vụ vi phạm đa dạng sinh học, với gần 391.000m3 gỗ, nộp ngân sách 3 tỷ đồng. Riêng về động vật, lực lượng đã thu giữ hàng trăm các loại bẫy được các đối tượng săn bắt trái phép đặt trong rừng và trung tâm cứu hộ thả nhiều động vật hoang dã quý hiếm về môi trường tự nhiên.

Nhằm bảo vệ rừng, ngăn ngừa tội phạm sinh học, trong thời gian qua lực lượng chức năng huyện Tây Giang thường xuyên phối hợp với Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cơ quan công an để tăng cường truyền thông giáo dục người dân nâng cao nhận thức pháp luật về Luật Lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học. Thông qua tổ chức hội nghị và các buổi tuyên truyền về việc thực hiện không săn bắt, mua bán, quảng cáo, xâm hại động thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. 

Để giải quyết tận gốc rễ vấn đề săn bẫy, khai thác động, thực vật rừng trái phép cần thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ rừng. Đến nay, Kiểm lâm huyện Tây Giang đã hướng dẫn 63 cộng đồng thôn dân cư chung tay tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng qua đó góp phần tăng độ che phủ rừng và phát triển đa dạng hệ sinh vật rừng tại đây. Người dân có sinh kế sẽ giảm tình trạng vào rừng trái phép, giảm tình trạng mua bán, săn bắt động thực vật rừng.  Nâng cao nhận thức hướng đến thay đổi hành vi cho cán bộ chủ chốt, đảng viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân về việc bảo vệ, bảo tồn, phát triển thiên nhiên và đa dạng sinh học.


 

Phương Thúy và nhóm PV, BTV