Với tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, tỉnh Quảng Nam đã và đang tập trung đẩy mạnh các loại hình kinh tế hướng ra biển, nhằm đưa kinh tế biển và vùng ven biển phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Thạc sĩ Lê Đức Thọ, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, người dân Quảng Nam đã biết tận dụng những lợi thế tài nguyên biển phong phú, đa dạng để phát triển các hoạt động kinh tế biển.
Cụ thể, vùng biển Quảng Nam có ngư trường rộng lớn, thềm lục địa kéo dài với nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhiều loài thuộc loại quý hiếm. Trong đó, đặc biệt nhất là quần đảo Cù Lao Chàm với các hệ sinh thái đặc thù gồm quần thể san hô và các loài hải sản vô cùng đa dạng. Tận dụng lợi thế tài nguyên này, nghề đánh bắt thủy hải sản ở vùng ven biển Quảng Nam ngày càng phát triển. Gắn liền với nghề đánh bắt thủy hải sản là nghề chế biến cá khô, làm ruốc, mắm nêm và nước mắm. Nguồn cá nguyên liệu dồi dào với số lượng lớn giúp người dân Quảng Nam phát triển nghề chế biến thủy sản thủ công.
Mặt khác, trong những năm qua, Quảng Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh phát triển các hoạt động kinh tế biển, trong đó có loại hình du lịch biển, cùng công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ ven biển, ven sông.
Một trong những hướng ưu tiên trong phát triển du lịch Quảng Nam là xây dựng các sản phẩm du lịch biển đảo trên cơ sở khai thác không gian văn hóa biển đảo của cư dân ven biển Quảng Nam; trong đó, hướng ưu tiên là phát triển trong đó, hướng ưu tiên là phát triển mạnh là phát triển mạnh du lịch biển đảo tại bờ biển Hội An và không gian văn hóa biển đảo Cù Lao Chàm.
Điều đặc biệt khi đến với du lịch biển đảo ở Quảng Nam là môi trường ít bị ô nhiễm, độ dốc ít, cát mịn và độ mặn vừa phải, nước biển xanh, khí hậu biển rất lý tưởng cho phát triển các loại hình du lịch nghỉ biển và nghỉ cuối tuần.
Tới nay, nhiều tour tuyến du lịch biển đảo, khám phá đời sống dân cư ven biển đã được đưa vào khai thác và được nhiều du khách trong và người nước lựa chọn trải nghiệm như: Tour ngắm hoàng hôn trên sông Thu Bồn kết hợp khám phá đời sống của cư dân làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu, ngư dân Cửa Đại; tour du lịch khám phá Cù Lao Chàm; tour du lịch lặn biển kết hợp nghiên cứu khoa học hiện đang phát triển mạnh tại các đảo có hệ thống các khu bảo tồn biển tại Cù Lao Chàm…
Cùng với đó, Quảng Nam còn phát triển các dịch vụ chất lượng cao phục vụ mọi loại đối tượng khách du lịch, đó là các khu mua sắm, các resort cao cấp ven biển. Một số dự án bắt đầu hình thành mang lại thu nhập đáng kể, thay đổi cuộc sống người dân ven biển.
Có thể nói, “kinh tế biển đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân khu vực vùng Đông của tỉnh”, Thạc sĩ Lê Đức Thọ nhận định.
Trong định hướng phát triển, Quảng Nam đặt mục tiêu “kinh tế biển và vùng ven biển phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng ven biển; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh; giảm nhẹ thiên tai; bảo tồn, tái tạo nguồn lợi, bảo vệ tốt môi trường sinh thái biển và vùng ven biển”.
Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu, Thạc sĩ Lê Đức Thọ đưa ra một số đề xuất nhằm giúp Quảng Nam phát triển bền vững kinh tế biển trong tương lai.
Đáng chú ý, Quảng Nam cần tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển du lịch, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, hệ thống cung cấp điện nước, các trạm cứu hộ trên các bãi biển. Việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội sẽ tạo điều kiện kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch vào xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, điểm giải trí.
Trước mắt, tỉnh Quảng Nam cần tập trung nâng cấp hệ thống trục đường dọc như đường Thanh Niên ven biển và hệ thống đường ngang nối từ Quốc lộ 1A với các bãi biển. Đây là hệ thống đường thực hiện đa mục tiêu như phòng chống thiên tai lụt bão, cứu hộ, đường quốc phòng…và đặc biệt là phát triển thành các tuyến du lịch kết nối các khu điểm và trung tâm du lịch.