Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã quan tâm chỉ đạo thực hiện rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có hoạt động xả thải vào môi trường không khí, vào các lưu vực sông, ra biển; Chú trọng xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế; Hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác vận hành các công trình xử lý nước thải tập trung tại các khu vực đô thị như Núi Thành, Điện Bàn, vùng Đông của tỉnh; Nâng cấp, đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung, mở rộng mạng thu gom nước thải trên địa bàn khu vực đô thị Tam Kỳ, Hội An để đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải, gia tăng tỷ lệ đấu nối mạng lưới thoát nước thải từ các hộ dân đến các công trình xử lý nước thải tập trung; Kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư trong việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về môi trường tại một số cụm công nghiệp…
Tuy nhiên, việc xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, công trình xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị, khu dân cư và các cụm công nghiệp còn chậm. Công tác phân loại chất thải rắn hiện chưa đạt hiệu quả. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi quy mô hộ gia đình xen lẫn trong khu dân cư còn nhiều… Hoạt động xả chất thải ra môi trường dẫn đến khiếu kiện vẫn còn xảy ra ở một số địa phương và chưa có giải pháp xử lý triệt để.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 146/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 – 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai các nội dung của Kế hoạch này.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, những động thái đầu tiên về việc ứng phó sự cố chất thải nhằm triển khai quyết định của Thủ tướng đã được thực hiện tại Quảng Nam ngay từ cuối tháng 2/2023.
Tỉnh đã tổ chức thực hiện Chương trình quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng năm. Trên cơ sở kết quả quan trắc, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố số liệu, thông tin cho các cấp ngành, địa phương và cộng đồng dân cư được biết, theo dõi, cùng nhau thực hiện công tác bảo vệ môi trường chung toàn tỉnh.
Để xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập Đề cương chi tiết và dự toán kinh phí của nhiệm vụ. Theo đó, các nội dung của Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của tỉnh sẽ bao gồm các hạng mục theo yêu cầu tại Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải.
Cụ thể gồm: Xây dựng lực lượng ứng phó sự cố chất thải, bảo đảm nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn; Chỉ đạo, tổ chức và huy động các lực lượng có liên quan ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn; Đánh giá, xác định thiệt hại, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, yêu cầu chủ cơ sở gây ra sự cố chất thải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; Tổ chức tập huấn, huấn luyện và diễn tập về ứng phó sự cố chất thải tại địa phương (cho phép việc lồng ghép xây dựng kế hoạch, tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố chất thải trong các kế hoạch khác của địa phương); Truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại địa phương; Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá công tác quản lý, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải báo cáo về Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Dự kiến thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác ứng phó sự cố chất thải.
Chẳng hạn: Thẩm định, lựa chọn công nghệ thích hợp để xử lý, tái chế các loại chất thải thông thường, chất thải nguy hại nhằm đảm bảo xử lý triệt để chất thải, hạn chế chôn lấp chất thải gây ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm; Thực hiện tốt công tác lập, phê duyệt quy hoạch phát triển các khu công nghiệp mới theo định hướng khu công nghiệp sạch, khu công nghiệp sinh thái, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ có thể thu hồi, tái sử dụng các loại chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường, loại hình sản xuất công nghiệp sạch, công nghiệp môi trường; Thực hiện di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đến các khu, điểm dân cư vào khu, cụm công nghiệp; Sử dụng hiệu quả công nghệ trong các hoạt động kiểm soát, giám sát xả thải các nguồn gây ô nhiễm môi trường, kiểm tra, giám sát tình hình lắp đặt, vận hành và kết nối dữ liệu đối với các trạm quan trắc tự động các cơ sở trên địa bàn; Thực hiện hiệu quả công tác quản lý, xử lý chất thải nguy hại, hoạt động xử lý, sử dụng tro, xỉ thạch cao, chất thải công nghiệp thông thường khác theo quy định của pháp luật…