Theo Ban chỉ đạo tỉnh này về định hướng không gian đô thị loại 1, đối chiếu với quy định hiện tại, TP. Tam Kỳ mới chỉ đạt 47/59, còn 12 tiêu chí chưa đạt.
Trong đó, diện tích tự nhiên không đạt, quy mô dân số toàn đô thị rất thấp và khó đạt trong tương lai gần, thu nhập bình quân đầu người thấp.
Từ đó, phải điều chỉnh địa giới hành chính theo hướng mở rộng diện tích từ 3 địa phương TP. Tam Kỳ và 2 huyện Núi Thành và Phú Ninh mới đủ sức trở thành đô thị động lực của tỉnh và khu vực, hướng tới xây dựng đô thị loại 1.
Việc mở rộng không gian đô thị, xây dựng phát triển đô thị được ban chỉ đạo tập trung phân tích, xem xét các điều kiện, những tiêu chí cần xây dựng, tính toán.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết, nghị quyết 08 ra đời đã nhận được sự đồng thuận cao với phương án sáp nhập 3 địa phương Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh để phát triển đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh.
Ông Cường cho hay, về cơ chế đầu tư, vẫn tiếp tục đầu tư hạ tầng cho 3 địa phương này, song phải đảm bảo lợi ích lâu dài, quy mô phù hợp, hài hòa, kịp thời điều chỉnh đối với các công trình nếu chưa phù hợp.
Về việc đầu tư trụ sở làm việc tại cấp huyện, các cơ quan trung ương sẽ được tạm dừng để tính toán, xây dựng chương trình hành động để xây dựng đô thị loại 1.
Bí thư Quảng Nam giao UBND tỉnh nghiên cứu, thảo luận, có thể mời phản biện đối với các cơ chế đầu tư phát triển đô thị loại 1.
Cùng với đó, giao Sở Nội vụ xây dựng dự thảo đề án sáp nhập 3 địa phương, các thủ tục hành chính phải cố gắng hoàn thành từ nay đến cuối năm để tiếp tục tiến hành các bước tiếp theo, phấn đấu giữa năm 2023 trình Quốc hội xem xét.
Các địa phương được yêu cầu tập trung cho công tác đào tạo cán bộ, sẵn sàng nhân lực cho việc phát triển đô thị loại 1 trong tương lai.
Được biết, tổng diện tích của vùng đô thị mới sau khi sáp nhập là 904km2 với dân số gần 450.000 người. Với tiềm năng thế mạnh, có Khu kinh tế mở Chu Lai, vùng đô thị mới này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, trở thành hạt nhân, động lực cho cả tỉnh.