Tối 1/8, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam tổ chức khai mạc Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 5 và kỷ niệm 20 năm tái lập huyện (1/8/2003 - 1/8/2023).
Tại vùng núi Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là loài dược liệu đặc biệt quý hiếm, có giá trị đặc hữu, với những đặc tính riêng có mà các loài Sâm khác trên thế giới không có được, là sản phẩm của quốc gia, là vàng xanh của đất nước.
Tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển cây sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thực hiện công tác bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh với mục tiêu xây dựng và phát triển sâm thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 5 là cơ hội để tiếp tục giới thiệu, quảng bá về cây sâm Việt Nam và các loại dược liệu khác đến đông đảo nhân dân, du khách, các nhà đầu tư trong và ngoài nước; phấn đấu xây dựng huyện Nam Trà My trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 5 và thành quả được trưng bày, quảng bá hôm nay một lần nữa khẳng định Nam Trà My đã và đang rất thành công trong quá trình thực hiện định hướng chiến lược, chủ trương phát triển bền vững và tạo thương hiệu cho cây sâm Việt Nam.
Trong những năm qua, huyện Nam Trà My đã tập trung bảo tồn nguồn gen quý hiếm và hình thành vùng trồng cây dược liệu, sâm Ngọc Linh theo quy mô tập trung. Vùng sâm Ngọc Linh được quy hoạch khoảng 15.000 ha tại 7/10 xã của huyện; có hơn 1.250 hộ gia đình tham gia trồng sâm trên diện tích hơn 2.000 ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng 10 tấn, giá trị khoảng 420 đến 600 tỷ đồng/năm.
Vùng đất miền tây Quảng Nam là nơi có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các huyện miền núi của tỉnh đã đưa vào trồng những cây dược liệu quý như đảng sâm, ba kích, thảo quả, táo mèo.... Đồng thời xây dựng các “mô hình cây dược liệu liên kết theo chuổi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm”... bước đầu nâng cao giá trị.
Từ việc phát triển trồng các loài dược liệu kể trên, huyện Tây Giang đã hình thành gần 10 mô hình HTX và 50 tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ. Từ một số sản phẩm tươi thô, giá trị kinh tế thấp, mục đích sử dụng không nhiều, thị trường tiêu thụ ít, các HTX dược liệu ở Tây Giang đã đưa củ đảng sâm, ba kích, táo mèo thành nhiều loại thực phẩm, thuốc được sử dụng rộng rãi.
Với chủ trương tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương dựa trên nguyên liệu sẵn có, huyện Tây Giang đang tập trung giải quyết một số khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện. Đó là việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống cây dược liệu, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch còn yếu, công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen cây dược liệu chưa được quan tâm đúng mức. Giải quyết được những vấn đề này sẽ góp phần nâng giá trị, thương hiệu của loại dược liệu quý Tây Giang, tạo động lực giúp người vùng cao thoát nghèo. Từ đó góp phần rất lớn trong giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn toàn huyện.
Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu, năm 2002, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện ghi nhận có 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong "Sách đỏ Việt Nam". Mới đây còn phát hiện thêm 4 loài cây thuốc chưa có tên trong danh mục cây thuốc Việt Nam, đó là dù dẻ đỏ, khế đất, gờ rồng và ba chạc lá đỏ.
Nhiều cây thuốc quý có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, chủ yếu mọc tự nhiên và phân bố khá đồng đều, rộng khắp ở các huyện miền núi của tỉnh như: Mật nhân, Ka'cun (huyện Đông Giang); sâm Ngọc Linh, quế (Nam Trà My); thất diệp nhất chi hoa, đinh lăng, gừng, tà vạt (Nam Giang)…
Nếu như Bắc Trà My được biết đến như địa danh của "hương rừng đất Quảng" với diện tích cây quế Trà My vào loại bậc nhất tỉnh, thì Tây Giang - xứ sở của cây ba kích, đẳng sâm được đánh giá đảm bảo cả chất lượng và số lượng với hàng trăm ha đang được khoanh vùng và nhân rộng phát triển theo dạng bán tự nhiên tại các nương rẫy. Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu được thống kê vào khoảng 2.471 ha, trong đó chủ yếu là ở các huyện miền núi của tỉnh.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đang có sự hội tụ của đầy đủ các yếu tố trở thành một trong những trung tâm công nghiệp dược liệu của miền Trung, kết nối với hai trung tâm công nghiệp dược liệu miền Bắc và miền Nam để tạo ra thế kiềng ba chân trong việc phát triển công nghiệp dược của cả nước.
Cụ thể, Quảng Nam có địa hình khá đa dạng, núi cao, hướng dốc từ tây sang đông và từ bắc xuống nam đã tạo ra tính đa dạng sinh học cao, đặc biệt về thành phần, chủng loại cây dược liệu. Bên cạnh đó, rừng và đất lâm nghiệp chiếm hơn 70% đất tự nhiên, là nơi dự trữ nguồn dược liệu phong phú, nơi có môi trường thuận lợi cho nhiều loài dược liệu phát triển.
Đặc biệt hiện giá trị kinh tế của các cây dược liệu đem lại rất cao so với trồng các cây lương thực khác. Trên thực tế, giá trị kinh tế đem lại từ việc trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác (cao hơn gấp 5-10 lần trồng lúa).
Thí dụ, trồng đương quy có thể cho thu nhập từ 90-100 triệu đồng/ha/năm; cây Actiso thu nhập từ 60-80 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây lúa chỉ từ 20-40 triệu đồng/ha/năm. Vì vậy, phát triển dược liệu đang và sẽ là một hướng bền vững, ổn định nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều vùng trong cả nước.
Về hạ tầng giao thông, Quảng Nam đã tập trung nguồn lực để đầu tư hệ thống giao thông đường bộ theo trục Bắc–Nam, Đông-Tây cùng hệ thống sân bay và cảng biển đang dần hoàn thiện sẽ là đòn bẩy đưa kinh tế-xã hội của Quảng Nam tiếp tục bứt phá.
"Với tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp dược liệu, ngày 27/3/2022 trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý chủ trương giao Bộ Y tế và tỉnh Quảng Nam nghiên cứu đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam", ông Hồ Quang Bửu cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, việc hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm thúc đẩy phát triển các loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, ngay sau khi có chủ trương, tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Bộ Y tế để xây dựng đề án để trình Chính phủ xem xét phê duyệt trong thời gian tới.
Qua đề án, tỉnh Quảng Nam sẽ có điều kiện ưu tiên nguồn lực đủ mạnh tập trung đầu tư đẩy phát triển tiềm năng vùng nguyên liệu và thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tâm điểm của cả nước trong chế biến dược liệu, bảo đảm sản xuất và cung ứng thuốc và các sản phẩm từ dược liệu có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Trong đó phát triển sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu có thế mạnh thành sản phẩm hàng hóa có chất lượng, giá trị kinh tế cao, phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.