Ngày 25/12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Tại cuộc họp báo, PV VietNamNet đặt câu hỏi “Năm qua công tác chuyển đổi số và cải cách hành chính được UBND tỉnh ráo riết chỉ đạo triển khai trên mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội… Lãnh đạo tỉnh có thể khái quát hiệu quả đạt được và kế hoạch triển khai trong năm tới?”

Trả lời câu hỏi trên, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Nam Phạm Hồng Quảng cho biết, chuyển đổi số tại tỉnh đang đạt những kết quả bước đầu ở mức cơ bản dựa trên 3 trụ cột chính là chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

W--q2a1268-2-1.jpg
Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Nam Phạm Hồng Quảng.

“Để triển khai công tác chuyển đổi số, hằng tháng, tỉnh cùng các đơn vị địa phương họp về công tác này. Các địa phương bước đầu triển khai các nhiệm vụ chi tiết, chuyên ngành trong năm 2023, đặc biệt việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành”, ông Quảng nói.

Trong năm 2024, tỉnh đang lấy ý kiến các địa phương để ban hành triển khai kế hoạch. Với quan điểm Sở TT&TT chịu trách nhiệm dữ liệu dùng chung toàn tỉnh, những dữ liệu chuyên ngành sẽ giao cho các sở, ban ngành triển khai thực hiện.

Ông Quảng thông tin, một vấn đề đang vướng mắc lớn nhất của tỉnh, việc liên thông dữ liệu giữa các ban ngành đang gặp khó khăn; rõ ràng nhất là dịch vụ công. Hiện mức thẩm quyền của tỉnh đang cố gắng liên thông 3 cấp, từ cấp tỉnh lên đến Trung ương đang gặp vướng mắc nên cần thời gian để đồng bộ.

Bổ sung thêm vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đánh giá cao công tác chuyển đổi số trên toàn tỉnh.

“Chuyển đổi số là chuyện lâu dài, mục đích hướng đến giúp người dân hưởng lợi. Làm sao để tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cho người dân. Người dân chỉ khai báo một lần, không cần công chứng, chứng nhận nhiều lần. Mỗi lần làm việc chỉ cần sử dụng lại hồ sơ đã đăng ký. Cùng với đó, giảm thời gian, chi phí, địa lý trong quá trình thủ tục hành chính”, ông Bửu nói.

W--q2a1305-2.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu.

Theo ông Hồ Quang Bửu, hiện Quảng Nam đã liên thông về việc cơ sở dữ liệu đất đai với thuế. Trước đây, việc đóng thuế mất đến 5 ngày khi hồ sơ từ các sở, ban ngành, sau đó mới đến thuế. Nhưng hiện tại, nhờ việc liên thông dữ liệu, người dân chỉ mất 2 ngày.

“Khi người dân hưởng lợi từ chuyển đổi số, chắc chắn cơ quan nhà nước dễ dàng trong việc quản lý và đáp ứng được các nhu cầu cần thiết”, ông Bửu nhấn mạnh.

 Hiện nay 18/18 huyện, thị xã, thành phố tại Quảng Nam triển khai thành lập tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn, 241/241 xã đã thành lập tổ công nghệ cộng đồng với 1200 tổ công nghệ số cộng đồng với trên 6.200 người tham gia, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.

Về chính quyền số, đã triển khai hệ thống quản lý văn bản Qoffice tập trung đến tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, kết nối trục liên thông văn bản chính phủ và tích hợp chữ ký số chuyên dùng, phục vụ gửi nhận văn bản điện tử. Ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước của tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã...

Xã hội số, triển khai phổ cập cho người dân sử dụng ứng dụng VNeID, là danh tính số, có giá trị tương đương thẻ Căn cước công dân. Đẩy mạnh phát triển xã hội số, phổ cập dịch vụ Internet băng thông rộng đến hộ gia đình và phủ sóng di động 4G/5G. Tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương; triển khai phổ cập cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến...

Kinh tế số, xây dựng Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số giai đoạn 2024 - 2026 và 2026 - 2030. Đo lường kinh tế số; Phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực. Thúc đẩy tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, thành phố biết để sử dụng các nền tảng số chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa...