Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 605 HTX và 1 Liên hiệp HTX đang hoạt động tốt.

Theo đại diện Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, trong quá trình xây dựng, kinh tế tập thể và các HTX có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho vùng đồng bào DTTS mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo miền núi.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, kinh tế tập thể mà nòng cốt HTX là nhân tố không thể thiếu trong quá trình thúc đẩy xây dựng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để tập hợp đồng bào DTTS tham gia sản xuất, xoá đói giảm nghèo, nhiều địa phương miền núi Quảng Nam đã thành lập một số mô hình kinh tế tập thể, được chính quyền các cấp tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thường xuyên quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất.

W-namtramy-1.png
Mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng ở Nam Trà My

Các HTX ngày càng năng động hơn với cơ chế thị trường, tự chủ hoạt động, đóng góp thiết thực cho kinh tế - xã hội, nhất là các chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xây dựng đô thị văn minh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, OCOP...

Nhiều mô hình hiệu quả đã ra đời mang lại giá trị kinh tế cho các thành viên:

Trên lĩnh vực nông nghiệp, HTX đáp ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất, hướng dẫn thành viên sản xuất theo kế hoạch; không ngừng đổi mới phương thức quản lý, điều hành, đổi mới tư duy kinh doanh nhằm mang lại hiệu quả kinh tế; hỗ trợ nông dân hợp tác sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập.

HTX lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp duy trì được sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo ra các sản phẩm mới cho thị trường, kể cả xuất khẩu

HTX lĩnh vực giao thông vận tải, thương mại - dịch vụ, y tế, du lịch, quản lý chợ, môi trường đáp ứng một phần nhu cầu của người dân, giải quyết các vấn đề xã hội tại địa phương. Ba quỹ tín dụng nhân dân đã trợ lực phát triển kinh tế thành viên, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đáng tự nào ấy, kinh tế tập thể tại các khu vực miền núi Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Khó khăn về vốn lại đang là điểm nghẽn tại nhiều HTX hiện nay và cần những chính sách phù hợp tạo cơ hội để HTX phát triển bền vững. Tình trạng HTX gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cũng cho thấy điều kiện để vay vốn chưa thực sự phù hợp với mô hình kinh tế tập thể.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ của HTX chủ yếu là các hộ gia đình địa phương và một số đại lý nhỏ. Mong muốn lớn nhất hiện nay của HTX là được chính quyền và ngành chuyên môn các cấp quan tâm hỗ trợ, nhất là thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, năng lực nội tại của HTX vẫn còn nhiều bất cập như một số HTX thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao; đội ngũ cán bộ quản lý đa số tuổi cao, còn nặng tư duy HTX kiểu cũ, chưa năng động với thị trường; cơ sở vật chất xuống cấp, công nghệ sản xuất lạc hậu.

Một số HTX còn lúng túng trong định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chưa có sản phẩm dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với thành viên nên hiệu quả hoạt động của các HTX chưa cao. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Vẫn còn một số HTX tồn tại hình thức, hoạt động yếu kém, không hiệu quả, chưa đảm bảo theo đúng Luật HTX.

Để từng bước tháo gỡ những khó khăn ấy, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài các nội dung hỗ trợ theo quy định, trường hợp HTX đủ điều kiện vẫn được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật. Nếu tại một thời điểm, với cùng một nội dung hỗ trợ có những chính sách, mức độ ưu đãi, hỗ trợ khác nhau thì các HTX được lựa chọn chính sách, mức độ ưu đãi, hỗ trợ có lợi nhất. Nguồn ngân sách thực hiện bao gồm cả nguồn Trung ương và nguồn ngân sách tỉnh, trong đó để thực hiện Nghị quyết trong giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách tỉnh bố trí khoảng 133 tỷ đồng để thực hiện các chính sách của tỉnh, trong đó có 46 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 87 tỷ đồng vốn sự nghiệp.

Tiếp đó, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình số 21 ngày 31/10/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20 ngày 6/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia.

Cụ thể, đến năm 2030, toàn tỉnh thành lập mới khoảng từ 450 - 600 tổ hợp tác, 300 - 400 HTX, 7 liên hiệp HTX. Các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX thành lập mới hoạt động ổn định, hiệu quả. Doanh thu bình quân của HTX tăng khoảng 5-6%/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong HTX tăng khoảng 3-5%/năm; lãi bình quân của HTX tăng khoảng 3-5%/năm. Đảm bảo khoảng 60-70% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động đạt loại khá, tốt; trong đó, có khoảng 50% tham gia sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Khoảng 30% HTX ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Đến năm 2045, phấn đấu tăng dần số lượng tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX và nâng cao tỷ lệ người dân tham gia tổ chức kinh tế tập thể; đồng thời, đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động. Bảo đảm khoảng 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động đạt loại tốt, khá; trong đó, có khoảng 70% tham gia liên kết sản xuất theo các chuỗi liên kết. Các tổ chức kinh tế tập thể áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lý.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng của Quảng Nam còn chú trọng tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng quản trị, kỹ năng Marketing Online, kỹ năng bán hàng và phát triển kênh phân phối, kỹ năng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, kỹ năng thực hiện chế độ quản lý và phân tích báo cáo tài chính… 

Các khoá tập huấn nhằm giúp các học viên nắm bắt quy trình xây dựng kênh phân phối, tối ưu hệ thống vận hành và nâng cao hiệu quả bán hàng thông qua kênh phân phối trong giai đoạn mới; xây dựng hệ thống quy trình quản lý, chính sách bán hàng, chương trình tạo động lực và bộ công cụ quản lý kênh phân phối; chiến lược phát triển và tung sản phẩm ra thị trường.

Nhờ vậy, các HTX, tổ hợp tác đã ứng dụng tốt các kỹ năng này vào việc bán hàng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Tiếp tục phát huy vai trò kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm HTX, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam còn hỗ trợ các HTX có sản phẩm tiêu biểu tham gia sự kiện “Phiên chợ sản phẩm HTX lần thứ I” do Liên minh HTX TP. Đà Nẵng tổ chức, diễn ra từ ngày 31/5 - 02/6/2023. Hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ HTX giới thiệu, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho các HTX gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu, xây dựng mối quan hệ hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.

Được biết, hôm 7/11 vừa Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã phối hợp UBND huyện Duy Xuyên tổ chức hội nghị triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Tạo cơ chế giúp các HTX dễ dàng tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất; hình thành và phát triển các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị; mở rộng phát triển thị trường nội địa và quốc tế. Nâng cao trình độ dự báo nhu cầu thị trường để định hướng đúng loại sản phẩm hàng hóa cần sản xuất cả về số lượng và chất lượng. Nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá thành sản phẩm…

Với những hỗ trợ thiết thực trên, kinh tế tập thể, HTX, tổ hợp tác tại tỉnh Quảng Nam sẽ rộng đường phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng, từng bước khẳng định được vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó phát huy trách nhiệm xã hội vào giải quyết việc làm và an sinh xã hội tại địa phương, đặc biệt là tại 6 huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 353/QĐ-TTg.

CTV, Thục Anh và nhóm PV, BTV