Ngày 10/11, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tổ chức hội thảo “Nuôi biển tự nhiên kết hợp với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”.
Tham dự hội thảo bao gồm ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và đại diện các hội, hiệp hội thủy sản, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp tham dự.
Theo ông Hồ Quang Bửu, Quảng Nam có đường bờ biển dài hơn 125km, diện tích ngư trường khoảng hơn 40.000km2. Toàn tỉnh có 34 xã hoạt động khai thác hải sản với 2.715 phương tiện khai thác. Tỉnh còn có nhiều cửa sông, cửa lạch với khoảng hơn 30.000ha diện tích mặt nước, hơn 10.000ha phù hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay, giá trị sản xuất từ thủy sản tăng hàng năm. Năm 2018, Quảng Nam đạt 3.780 tỷ đồng đến năm 2022 đã tăng lên 4.373 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 3,75%/năm. Thủy sản chiếm tỷ trọng 30% trong ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 19.000 lao động trong đó khoảng 16.000 lao động trực tiếp và hơn 3.000 người lao động gián tiếp.
Ông Bửu cho biết, nguồn lợi thủy sản, các tài nguyên sinh vật biển đều suy giảm do tác động của các hoạt động kinh tế trên đất liền và khai thác chưa đúng quy định. Tỉnh Quảng Nam đã tích cực ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác mang tính tận diệt như te điện, lưới kéo nhưng hoạt động này vẫn thường xuyên diễn ra.
Để khắc phục tình trạng khai thác ảnh hưởng tới môi trường biển, tận diệt nguồn lợi, UBND tỉnh đã thay đổi chuyển nghề cho ngư dân sang hướng nuôi biển tự nhiên vừa tạo công ăn việc làm cho ngư dân cũng như bảo tồn nguồn lợi thủy sản, giảm bớt áp lực khai thác hải sản.
Chia sẻ tại hội thảo, các nhà khoa học đều cho rằng tỉnh Quảng Nam có tài nguyên nuôi trồng thủy sản theo hướng tự nhiên còn dồi dào, ưu tiên chuyển nghề khai thác mang tính tận diệt sang nuôi trồng. Tuy nhiên, các chuyên gia cân nhắc cần nuôi trồng trong các khu bảo tồn.
Hiện nay, Quảng Nam mới phát triển hình thức nuôi ven bờ, cửa sông còn nhỏ lẻ. Năm 2023, Quảng Nam tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển nuôi 25 lồng cá bè tại khu vực huyện Núi Thành. Trong thời gian tới, tỉnh ưu tiên mở rộng diện tích nuôi trồng hơn. Đối với Cù Lao Chàm, cách thành phố Hội An 15km, có tổng diện tích 1,2km2 có chất lượng nguồn nước phù hợp có thể nuôi biển quy mô lớn.
Theo bà Bùi Thị Thu Hiền – Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN, hoạt động quy mô nuôi biển phải tùy quy mô và hình thái nuôi gì. Nuôi thủy sản tự nhiên không nuôi trong vùng lõi, có thể nuôi ở các khu dịch vụ hành chính, phục hồi sinh thái, vùng đệm. Hiện, cần xem xét các khu vực vùng lõi có khả năng nuôi không. Tuy nhiên theo bà Hiền, Quảng Nam không nên nuôi trong vùng lõi vì ảnh hưởng tới môi trường.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hội nuôi biển Việt Nam chia sẻ tiềm năng của nuôi biển lớn. Hiện, Quảng Nam có tiềm năng nuôi biển nhưng việc nuôi biển theo hộ gia đình, cá nhân, công nghê truyền thống ảnh hưởng tới môi trường sinh thái biển, năng suất không cao. Ông Dũng cho biết, địa phương cần có sự vào cuộc của doanh nghiệp để nuôi theo hướng công nghiệp vừa giảm áp lực lên môi trường biển, vừa tăng nguồn lợi thủy sản.
Việc phát triển nuôi biển vừa bảo vệ nơi trú ẩn và sinh sản cho các loài thủy sản, góp phần phục hồi, tái tạo, nguồn lợi thủy sản, giữ cân bằng hệ sinh thái môi trường, bảo tồn cảnh quan sinh thái để phát triển khai thác hải sản gắn với phát triển du lịch đem lại thu nhập bền vững cho cộng đồng.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh có 186 phương tiện hành nghề giã cào, trong đó có 42 thuyền nhỏ giã cào được phép hoạt động ở ven bờ; còn 144 tàu lớn phải đánh bắt ở tuyến lộng và xa bờ nhưng lại thường xuyên hoạt động trái tuyến |