- Nếu những quy định của cơ quan cao nhất về quản lý về công chức, viên chức còn hiệu lực, tại sao khi thực hiện công tác cán bộ, Quảng Nam lại bỏ qua?
Qua câu chuyện Giám đốc Sở KH&ĐT trẻ nhất nước 30 tuổi, dư luận lên tiếng cho thấy một lần nữa muốn “bứt phá” với những quan niệm “trẻ”, “già” mà xưa nay bị bó hẹp trong các văn bản quy định của trên về công tác cán bộ.
Điều mừng nhất là dư luận đều ủng hộ ở tuổi 30 không phải trẻ nữa, vì thế giới có những người giữ cương vị cao hơn nhiều ở cấp quốc gia cũng chỉ ở tuổi ngoài 30 mà!
Điều mong muốn nhất của dư luận là chỉ ra nhân sự “tài năng”thì chưa thấy rõ nét ở điểm nào mà ở đây chỉ đề cập đến quá trình học tập, công tác của cán bộ được bổ nhiệm thăng tiến nhanh.
Tôi không phê phán điều được phía Quảng Nam nhấn mạnh trong bổ nhiệm cán bộ này là “quy trình”.
Phải thẳng thắn nhìn vào một sự thật: chắc chắn một điều nếu không phải xuất thân gia đình có gốc gác thì khó ai cùng trang lứa lại có những bước đi “đại nhảy vọt” như thế.
Chúng ta không nặng nề xuất thân từ một gia đình “danh giá”, nhưng điểm lại ở Quảng Nam có trường hợp nào là con em công, nông cùng trang lứa được quan tâm như vậy không?
Có lẽ điều dư luận thật sự quan tâm và mong muốn đó là “bao giờ mới có những công bố giám đốc tương tự như vậy được bổ nhiệm thông qua thi tuyển cạnh tranh?”
Quyết định số 82/2004/QĐ-BNV của Bộ trưởng Nội vụ ngày 17/11/2004 về việc ban hành “tiêu chuẩn Giám đốc sở và các chức vụ tương đương thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ”, trong đó điều 4 quy định: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này”.
Đến nay chưa thấy có quyết định nào thay thế. Cũng không thấy có văn bản nào của tỉnh Quảng Nam về vận dụng hoặc thí điểm thực hiện quyết định trên của Bộ Nội vụ.
Đối chiếu với tiêu chí tiêu chuẩn trong đó thì thấy ngoài các tiêu chuẩn khác có ghi rõ ở mục 6 về quy định trình độ: đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên (muốn đạt trình độ chuyên viên chính phải có 9 năm giữ ngạch chuyên viên mới được cử đi thi chuyên viên chính);…và tốt nghiệp quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên chính trở lên.
Để đảm bảo chặt chẽ về năng lực chuyên môn, trong Quyết định còn ghi rõ các điều kiện khá như có 5 năm công tác trở lên trong ngành, trong đó có ít nhất 3 năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao. Như vậy, hoàn toàn có cơ sở để đối chiếu với tiêu chuẩn khi bổ nhiệm.
Đất nước cần những cán bộ trẻ đó phải thể hiện được tài năng thực sự, đánh dấu nhấn cho xã hội bằng những tài năng cụ thể được xã hội thừa nhận để chứng minh “hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
Nhưng không biết quyết định số 82/2004/QĐ-BNV của Bộ trưởng Nội vụ còn hiệu lực không?
Nếu chưa có quyết định thay thế cơ quan này phải có chính kiến về vấn đề trên. Nếu những quy định trên của cơ quan cao nhất về quản lý về công chức, viên chức khi còn hiệu lực thì tại sao khi thực hiện công tác cán bộ của tỉnh Quảng Nam lại bỏ qua?
Nguyễn Đức Vân
(Nguyên chuyên viên cao cấp Văn phòng Chính phủ)