Xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa có 2016 hộ dân với 6 thôn. Đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, xã tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nội lực từ sức dân, không ngừng hoàn thiện và xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Năm 2020, Quảng Lưu là 1 trong 4 xã điểm của huyện xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao và xã đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022.
Đạt được kết quả này, xã Quảng Lưu đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá phát triển về kết cấu hạ tầng, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Hệ thống giao thông nông thôn từ đường thôn xóm, đường trục xã được đầu tư nâng cấp, đảm bảo chiều rộng mặt đường từ 5m trở lên, có hệ thống thoát nước, hệ thống cây xanh đạt từ 90% trở lên.
Hệ thống trường học được quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày càng hiện đại. Cơ sở vật chất y tế được tăng cường, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu từng bước nâng cao. Xã có trạm y tế 2 tầng, diện tích 500m2 gồm 15 phòng chức năng phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của nhân dân trong khu vực.
Xã có trung tâm văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn, 100% thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn theo quy định. Hệ thống các nhà văn hóa đều được phủ sóng wifi, phục vụ nhu cầu tra cứu, giải trí, học hỏi kiến thức trên Internet của nhân dân.
Công tác chuyển đổi số trong bảo vệ an ninh trật tự được triển khai mạnh mẽ với 80 mắt camera tại nhiều địa điểm, giúp việc kiểm soát và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn xã tốt hơn.
Với công tác cải cách thủ tục hành chính, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của xã được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Tỷ lệ lao động có việc làm của xã đạt 98,5%, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt gần 80%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 95% trở lên. Tỷ lệ thu gom rác thải đạt 100%, 100% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh...
Phát huy kết quả đạt được, những năm qua, xã Quảng Lưu tiếp tục bám sát vào chủ trương, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp để phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Qua đó, để nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu, thực chất; khẳng định vai trò của xây dựng nông thôn mới trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và phát triển kinh tế nông thôn.