Mời quý độc giả theo dõi video:

Quảng Lưu từng là xã nghèo của huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, cuộc sống nơi đây đang đổi thay từng ngày, diện mạo khởi sắc, không còn hộ nghèo, thu nhập người dân ngày càng ổn định.

Năm 2020 Quảng Lưu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ngay 1 năm sau đó, xã ngoạn mục cán đích, đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Để đạt kiểu mẫu xã thông minh, Quảng Lưu đã quyết liệt thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, hiện nay, xã đã triển khai nhiều mô hình, chương trình hoạt động về chuyển đổi số ở nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện.

Ngay từ khi bắt tay vào hành trình xây dựng NTM kiểu mẫu, xã đã ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch về chuyển đổi số trên địa bàn và đề ra các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn để tập trung thực hiện. Trong đó, tập trung thực hiện xây dựng chính quyền số để góp phần định hướng, quản lý, hỗ trợ kinh tế số, xã hội số, hạ tầng số phát triển.

Tổ chức triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. 100% hồ sơ trực tuyến được giải quyết đúng thời hạn quy định. Đồng thời, xã thành lập đội trợ giúp cài đặt hướng dẫn sử dụng dịch vụ công, hỗ trợ nhân dân tiếp cận với các nền tảng, app trong khi làm thủ tục hành chính.

Đa dạng hóa công tác tuyên truyền về lợi ích, tầm quan trọng của việc chuyển đổi số để người dân hiểu rõ, hưởng ứng thực hiện trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thôn, các hội nghị, các nền tảng mạng xã hội, như: zalo, trang thông tin điện tử...

Cùng với đó, xã đã triển khai thu phí, lệ phí bằng hình thức trực tuyến cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu thanh toán lệ phí bằng tài khoản ngân hàng, góp phần đảm bảo tính minh bạch trong quá trình thu phí và lệ phí thủ tục hành chính. 

Mạnh dạn thí điểm mô hình “3 không" trong chuyển đổi số, đó là: không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công, không dùng tiền mặt trong một số dịch vụ thiết yếu và không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền. Từ đó, đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền xã, góp phần giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính và giao dịch của các tổ chức, công dân, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. 

Xã còn chủ động xây dựng mô hình phòng họp không giấy, kết nối hội nghị một chiều từ tỉnh, huyện xuống đến các thôn.

Hiện nay, 6 thôn của xã đã có hệ thống wifi miễn phí để người dân truy cập thông tin, trưởng thôn điều hành hệ thống loa truyền thanh thông minh, tải, đọc văn bản, phát, tiếp phát thông báo, tin tức qua smartphone; hệ thống điện thông minh: đóng mở đèn chiếu sáng, máy phát thanh, ti vi…; hệ thống camera an ninh. Đẩy mạnh các dịch vụ không dùng tiền mặt tại chợ trung tâm xã, cơ sở kinh doanh.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn (hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao; hạ tầng mạng di động 4G/5G; hạ tầng kết nối internet, hạ tầng kết nối IoT…). Các hộ gia đình trong mỗi thôn sẽ được kết nối với nhau để tương tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống.

Tận mắt nhận thấy lợi ích từ ứng dụng công nghệ hiện đại, nhiều hộ dân trong xã đã gắn camera để theo dõi, giám sát quy trình sản xuất nông sản; hay việc người dân chủ động cài đặt các phần mềm mạng xã hội đã giúp họ thuận lợi trong trao đổi, tương tác với các nông dân ở các vùng miền khác để cùng học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong canh nông phù hợp với nhu cầu thị trường.