Dù có nhiều biện pháp can thiệp với YouTube từ năm 2017 nhưng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử phát hiện tình trạng clip xấu độc xuất hiện trên nền tảng YouTube vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng.
Trong đó, quảng cáo của một số thương hiệu lớn xuất hiện trở lại trên các clip xấu độc, phản động.
Ngày 10/6, Cục PTTH & TTĐT đã chính thức gửi công văn tới các doanh nghiệp có hiển thị quảng cáo trên những video nội dung bẩn, yêu cầu dừng ngay việc quảng cáo trong các video nội dung xấu độc trên YouTube. Cục cũng yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo giải trình về tình trạng này.
Ngừng quảng cáo trên YouTube để rà soát
Trước công văn của Cục PTTH & TTĐT, nhiều nhãn hàng cho biết đã lập tức dừng và nhìn nhận lại các chiến dịch quảng cáo của mình.
Đại diện Samsung Vina cho biết đã nhận được thông báo của Cục PTTH & TTĐT và đang xúc tiến rà soát xóa bỏ quảng cáo trên các trang có nội dung vi phạm, đồng thời thắt chặt quy trình làm việc với YouTube, Google. "Chúng tôi sẽ báo cáo lại cho Cục đúng thời gian quy định trong công văn", vị đại diện Samsung Việt Nam nói.
Một doanh nghiệp khác là FPT Shop cũng khẳng định sẽ siết chặt hơn nữa việc hợp tác quảng cáo nói chung và
Đa phần doanh nghiệp, nhãn hàng đều cho rằng họ không có chủ đích quảng cáo trên những kênh có nội dung như vậy.
"Huawei không chủ đích phát quảng cáo vào những kênh và clip có nội dung xấu độc trên môi trường truyền thông số. Hiện tại, chúng tôi đã tạm dừng phát tất cả quảng cáo trên các kênh YouTube", đại diện Huawei Việt Nam cho biết.
Đa phần doanh nghiệp cho rằng quảng cáo hiển thị trên nội dung bẩn là lỗi của thuật toán YouTube. |
Nhiều doanh nghiệp cho biết việc quảng cáo của họ xuất hiện trên những kênh có nội dung độc hại đều do thuật toán của Google.
"Cơ chế hoạt động của Google là hiển thị thông tin quảng cáo đối với những người dùng quan tâm đến thông tin sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Do đó, sau khi người dùng xem quảng cáo của Huawei, hệ thống quảng cáo của YouTube sẽ tự động phát thông tin về Huawei theo đúng sự quan tâm của họ", đại diện Huawei chia sẻ.
Một số doanh nghiệp cho biết họ không trực tiếp thuê quảng cáo từ Google. Họ thường sử dụng bên thứ 3 để nâng cao hiệu quả và có giá tốt hơn. Khi đó, nhãn hàng không kiểm soát được việc hiển thị quảng cáo trên những nội dung bẩn, thu hút nhiều người xem.
Doanh nghiệp bị động trong việc kiểm soát hiển thị quảng cáo
Về lý thuyết, nhãn hàng không chủ đích đưa quảng cáo lên các kênh YouTube có nội dung bẩn. Trách nhiệm phân phối quảng cáo thuộc về Google. Tuy vậy, YouTube không thực hiện nghiêm túc việc lọc nội dung khiến các quảng cáo của nhãn hàng xuất hiện trên các kênh có nội dung phản cảm.
"FPT Shop không chủ đích chọn các kênh đó. Việc banner xuất hiện ở đâu là do Google. Họ tự phân phối hình ảnh quảng cáo sẽ xuất hiện ở đâu", đại diện FPT trả lời.
YouTube đang sử dụng tiền của doanh nghiệp nuôi sống những video có nội dung bẩn. |
Với sự yếu kém trong kiểm duyệt của YouTube, doanh nghiệp có hai cách lựa chọn. Một là tự bảo vệ mình, dừng quảng cáo với YouTube. Hai là tiếp tục quảng cáo và chấp nhận rủi ro khi thương hiệu xuất hiện bên cạnh những nội dung độc hại.
Việc chấp nhận phương án thứ hai cũng đồng nghĩa doanh nghiệp đang góp phần chi tiền cho YouTube nuôi sống những kênh có nội dung video độc hại.
Trong hai lựa chọn đó, doanh nghiệp với tư cách là khách hàng của YouTube đều không được bảo vệ. "Nếu chúng tôi không quảng cáo, chúng tôi sẽ không bán được hàng. Cần có giải pháp đồng bộ, công bằng giữa các doanh nghiệp", đại diện một nhà bán lẻ di động chia sẻ.
Dù hoạt động tại thị trường Việt Nam từ nhiều năm, YouTube, Google vẫn chưa có bất kỳ quan hệ pháp lý nào với cơ quan chức năng. Việc liên hệ với Google vẫn đang ở mức "lúc được lúc không", theo đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Chính vì vậy, các thảo luận quản lý về những nội dung tuân thủ pháp luật nước sở tại không được YouTube chấp hành triệt để.
Điều này khiến doanh nghiệp hoang mang khi không biết nội dung video nào là sạch. "FPT Shop luôn tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động quảng cáo, thực hiện các biện pháp công nghệ khi cài đặt chiến dịch quảng cáo do công ty thực hiện, bao gồm việc ngăn chặn hiển thị tại những địa chỉ, video có nội dung không phù hợp. Tuy vậy, doanh nghiệp không thể suy đoán được web/kênh/clip nào có vấn đề được", đại diện FPT Shop chia sẻ.
Đồng thời, phía FPT Shop đề xuất nên có một cơ quan chuyên ngành, được pháp luật thừa nhận (chẳng hạn như Bộ thông tin truyền thông), đăng tải và định kỳ cập nhật danh sách các web/kênh/clip có vấn đề trên một trang web chính thống, đề nghị doanh nghiệp không quảng cáo trên đó. Như vậy, doanh nghiệp sẽ có cơ sở xác định và sẽ loại ra bằng cách thủ công.
Nếu muốn hiển thị quảng cáo trên những kênh "chọn lọc", nhãn hàng phải trả gấp 20 lần. |
Rủi ro thương hiệu từ quảng cáo trên YouTube
"Việc hình ảnh thương hiệu xuất hiện bên cạnh những video phản cảm, vi phạm là chuyện mà các nhãn hàng không nên xem là bình thường. Quảng cáo trong môi trường mạng xã hội, toàn bộ rủi ro nếu có đều thuộc về doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cách mua quảng cáo còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội”, thạc sĩ Đặng Thị Kim Chi, giảng viên ngành quan hệ công chúng Đại học Văn Lang, TP.HCM cho biết.
Cũng theo Thạc sĩ Kim Chi, khi nhắm mắt chạy theo chỉ số tiếp cận khách hàng, doanh nghiệp đang đứng trước các khủng hoảng truyền thông không lường trước được.
“Khi rót tiền vào cho một kênh quảng bá thảm họa, các doanh nghiệp chưa lường trước những khủng hoảng sẽ xảy ra sau đó. Một số trường hợp các mẫu quảng cáo hiển thị ngẫu nhiên trên những nội dung xúc phạm chính quyền, nếu bị người dùng chụp lại, rủi ro khủng hoảng khó lường trước được. Trong trường hợp này, doanh nghiệp là bên bị cơ quan chức năng xử lý đầu tiên”, bà Kim Chi nói thêm.
Quy trình doanh nghiệp đưa quảng cáo lên YouTube. |
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, YouTube và Google có 3 sai phạm lớn tại Việt Nam, bao gồm quản lý nội dung lỏng lẻo, không kiểm soát hoạt động đăng phát quảng cáo và để người dùng mua quảng cáo trực tiếp.
Google, Facebook hiện chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo online tại Việt Nam (280 trên 400 triệu USD), trong đó doanh thu năm của Google khoảng 150 triệu USD. Tuy nhiên, Google chưa có đại diện pháp lý tại Việt Nam và không đóng thuế.
Từ 2017, YouTube đã gỡ bỏ khoảng 8.000 clip xấu độc theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ, vẫn còn khoảng 55.000 clip có nội dung "bẩn", cần phải được gỡ bỏ trên nền tảng này, tính đến tháng 5/2019.