Mới đây, trên mạng xã hội Facebook và một số tờ báo xuất hiện thông tin chia sẻ về một loại vắc-xin tên là "Hasumi vaccine" có tác dụng phòng ngừa cũng như điều trị ung thư.
Loại vắc-xin này được một trung tâm thẩm mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố độc quyền cung cấp và được quảng cáo là đã ứng dụng tại 42 quốc gia tới Việt Nam là nước thứ 43, với tỷ lệ "thành công với ung thư giai đoạn 1,2,3 là hoàn hiện 100%, với ung thư giai đoạn 4 tỷ lệ thành công cao 70%-80%".
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi quảng cáo này hoàn toàn sai sự thật. Nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế và nhà nghiên cứu ung thư đã từng khuyến cáo người dân thận trọng với thông tin về loại vắc-xin này, thậm chí gọi nó là một chiêu trò lừa đảo.
Trước đây, một bệnh viện tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức hội thảo, giới thiệu về dịch vụ tiêm vắc-xin Hasumi. Nhưng do vấp phải nhiều phản ứng từ giới chuyên môn cũng như bị sở y tế gắn mác "sai luật", bệnh viện này đã ngừng cung cấp dịch vụ.
Dịch vụ tiêm vắc-xin Hasumi bây giờ xuất hiện trở lại với hình thức biến tướng, núp bóng dưới cơ sở thẩm mỹ với giá khoảng 6 triệu/mũi tiêm. Theo đó, toàn bộ liệu trình 6 mũi với các dịch vụ bổ trợ như xét nghiệm có giá là 40-45 triệu VNĐ.
Điều đáng nói là trang Facebook của cơ sở thẩm mỹ tuyên bố ngay cả trẻ em 7 tuổi trở lên đã có thể tiêm phòng. Cũng theo họ, vắc-xin được có thể được sử dụng trên bất kể ai, cả bệnh nhân ung thư lẫn người khỏe mạnh mà không hề có tác dụng phụ.
Một lần nữa, tham khảo ý kiến các chuyên gia cho thấy toàn bộ các quảng cáo này đều không có cơ sở khoa học. Người dân nên cực kỳ thận trọng với việc sử dụng loại vắc-xin này.
Vắc-xin Nhật Bản dựa trên liệu pháp miễn dịch
Vắc-xin được quảng cáo trên mạng xã hội Facebook có nhiều tên gọi như "vắc-xin HITV", "vắc-xin miễn dịch tự thân", "Auto Vaccine Hệ miễn dịch", "vắc-xin Hasumi". Nhưng tựu chung lại, đó đều là một vắc-xin được Cố Tiến sĩ Hasumi Kiichiro bắt đầu bào chế và thử nghiệm từ thập niên 1930.
Tiến sĩ Hasumi trong quá trình nghiên cứu của mình đã dự đoán được sự tồn tại của kháng nguyên đặc hiệu trên bề mặt màng tế bào ung thư, đây là thứ mà tế bào bình thường không có.
Từ đó, ông bắt đầu nghiên cứu phát triển phương thuốc bằng cách tách chiết kháng nguyên đặc hiệu từ màng tế bào ung thư, rồi cho kết hợp với chất bổ trợ miễn dịch thành hỗn hợp tiêm vào cơ thể với mong muốn điều trị ung thư.
Ý tưởng là dạy cho hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện các tế bào ung thư bằng các kháng nguyên này, qua đó tiêu diệt chúng. Vắc-xin Hasumi trước đây đã từng được thử nghiệm ở một số nước như Nhật Bản hay Brasil, trên động vật cũng như những nhóm bệnh nhân nhỏ với một số kết quả khả quan nhất định.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là loại vắc-xin này có thể được sử dụng rộng rãi bên ngoài các cơ sở y tế như những quảng cáo trên Facebook những ngày gần đây. Trên thực tế, vắc-xin Hasumi mới chỉ được thử nghiệm tại một cơ sở y tế nhỏ ở Nhật Bản là BSL-48 Shukokai.
Cập nhật từ chính quê hương của loại vắc-xin được cho là "thần thánh" này, Bác sĩ Phạm Nguyên Quý (Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản) trả lời báo Phụ Nữ cho biết: Vắc-xin Hasumi "không phải phương pháp tốt" để điều trị ung thư.
"Ngay tại Nhật Bản, người bệnh ung thư được các bác sĩ khuyên điều trị theo các phương pháp đã được khoa học chứng minh tốt nhất và hiệu quả nhất, bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, thuốc đích, liệu pháp miễn dịch… tùy theo tình trạng bệnh và được bảo hiểm chi trả.
Đây là yếu tố rất quan trọng vì đó chính là phương pháp tốt cho người bệnh về mặt bằng chứng khoa học lẫn chi phí điều trị (mà người bệnh chi trả) thấp nhất. Việc vắc-xin Hasumi này không nằm trong danh sách bảo hiểm ở Nhật đủ cho thấy nó chưa phải là phương pháp tốt cũng như tiêu chuẩn hiện nay và Việt Nam cần thận trọng với các số liệu từ phía kinh doanh cung cấp", bác sĩ Phạm Nguyên Quý lưu ý.
"Phương pháp này chưa có số liệu như yêu cầu nên chưa được bảo hiểm y tế tại Nhật Bản chi trả và cũng chưa được các cơ sở y tế hàng đầu của Nhật sử dụng trên bệnh nhân ung thư. Hệ thống bảo hiểm ở Nhật được cho là rộng rãi mà còn chưa cấp phép sử dụng, thì không lý gì người Việt chúng ta lại đầu tư chạy theo phương pháp này".
Quảng cáo thổi phồng vắc-xin Hasumi là chiêu trò lừa đảo
Mặc dù đúng là vắc-xin Hasumi đã được đưa vào thử nghiệm trên người tại Nhật Bản, nhưng việc các cơ sở y tế tư nhân và thậm chí cả thẩm mỹ viện đưa loại vắc-xin này về Việt Nam với nhiều lời quảng cáo mang tính thổi phồng đã khiến nhiều chuyên gia bức xúc.
Ruy Băng Tím, một tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam - với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, bác sĩ làm việc trong lĩnh vực, đã thẩm định nguồn tin và gọi hoạt động quảng cáo vắc-xin Hasumi ở Việt Nam hiện nay là lừa đảo.
Facebook của cơ sở thẩm mỹ quảng cáo vắc-xin có giá 6 triệu/mũi, có thể ngăn ngừa tất cả các loại ung thư
"Chúng tôi đã xem tất cả các thông tin từ website của trung tâm ( http://worldmedical.com.vn/ ) cũng như trên trang Facebook (https://www.facebook.com/worldmedicalcenter/), chúng tôi khẳng định đây là thông tin sai sự thật và việc quảng cáo "sử dụng Auto Vaccine Hệ Miễn Dịch" để phòng và điều trị ung thư" như các website đưa ra phía trên là lừa đảo!".
Phản biện những quảng cáo này, Ruy Băng Tím cho biết chưa từng có một báo cáo khoa học nào về vắc-xin Hasumi với tỷ lệ thành công trên người như các quảng cáo tuyên bố là "thành công với ung thư giai đoạn 1,2,3 là hoàn hiện 100%, với ung thư giai đoạn 4 tỷ lệ thành công cao 70%-80%".
Bác sĩ Phạm Nguyên Quý cũng trả lời: "Việc điều trị ung thư giai đoạn sớm, ở nhiều mặt bệnh thì bản thân việc cắt bỏ qua phẫu thuật đã giúp bệnh nhân chữa lành bệnh, không tái phát sau mổ với cơ may khá cao (70-90%). Vì thế, nói "dùng vắc-xin ngay từ đầu thì có khoảng 70% bệnh nhân được chữa khỏi" là chưa chính xác".
Ngoài ra, nói vắc-xin Hasumi không có tác dụng phụ vì vắc-xin này sử dụng chính hệ miễn dịch của cơ thể để tiêu diệt ung thư là sai. Ruy Băng Tím cho biết ngay cả các liệu pháp miễn dịch tiên tiến nhất đang được nghiên cứu hiện nay cũng bỏ ngỏ các khả năng gây tác dụng phụ.
Tìm hiểu của chúng tôi cho thấy một thử nghiệm vắc-xin Hasumi năm 2000 trên 500 bệnh nhân, được thực hiện bởi chính Tiến sĩ Kenichiro Hasumi (con trai cố tiến sĩ Hasumi Kiichiro), vẫn báo cáo những bệnh nhân phải chịu tác dụng phụ bao gồm xuất hiện bệnh ngoài da, tình trạng mệt mỏi và rối loạn liên quan đến lưỡi.
Vì vậy, vắc-xin Hasumi được cơ sở thẩm mỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh quảng cáo là không có tác dụng phụ bị Ruy Băng Tím nghi ngờ là vắc-xin giả: "Thứ được sử dụng ở đây không thực sự là một vaccine có thể điều trị được bệnh ung thư, một thứ có thể được xem là vô thưởng vô phạt!".
Vắc-xin Hasumi này không nằm trong danh sách bảo hiểm ở Nhật đủ cho thấy nó chưa phải là phương pháp tốt
Được biết, hồi tháng Ba năm nay một bệnh viện tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã định đưa vắc-xin Hasumi vào ứng dụng. Tuy nhiên, sau khi vấp phải phản ứng của các chuyên gia, báo chí và cơ quan chức năng, bệnh viện này đã dừng quảng bá vắc-xin này.
Trả lời báo Phụ Nữ về sự kiện này, Thạc sĩ - dược sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM cho biết:
"Chúng ta không bài xích việc các nhà khoa học nỗ lực tìm kiếm phương pháp điều trị ung thư mới, điển hình là vắc-xin tự thân. Tuy nhiên, phương thức tạo vắc xin chữa ung thư hiện chỉ có vài phòng khám của Nhật đang thử nghiệm, chứ chưa được hiệp hội, tổ chức nào công nhận để sử dụng rộng rãi, kể cả Nhật Bản.
Do đó, việc truyền thông, quảng cáo không đúng cách, khiến người bệnh bỏ điều trị các biện pháp truyền thống như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị là có tội với người bệnh. Không như những bệnh khác, cuộc sống của bệnh nhân ung thư tính bằng ngày, do đó nếu điều trị không đúng phác đồ người bệnh sẽ sớm tử vong".
Ông Đỗ Văn Dũng cho biết thêm hoạt động tiêm vắc-xin Hasumi ở Việt Nam là sai luật, kể cả khi đó là vắc-xin do bệnh nhân tự đem từ Nhật về Việt Nam nhờ các bác sĩ hay bệnh viện trong nước chích giùm.
Việc một cơ sở thẩm mỹ công khai quảng cáo sai sự thật về loại vắc-xin Hasumi này đặt ra nhiều câu hỏi về tính hợp pháp trong hoạt động kinh doanh của họ. Cập nhật cho tới thời điểm này, website của cơ sở thẩm mỹ đã tạm gỡ bỏ các thông tin về vắc-xin Hasumi.