Dọc theo đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, nhiều bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình được thiên nhiên ban tặng cho những cảnh quan kỳ thú cùng với nét văn hoá bản địa độc đáo. Chính vì thế, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông thôn được xem là định hướng đúng đắn bởi Quảng Bình có lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, làng nghề đa dạng, nhiều đặc trưng văn hóa nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu.
Theo đại diện Sở Du lịch Quảng Bình, thời gian gần đây, du khách đến với địa phương ngày càng tăng cao và có nhiều dấu ấn tốt đẹp về mảnh đất, con người nơi đây. Để tiếp tục đa dạng hóa nhiều thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, Quảng Bình xác định tiếp tục tập trung đầu tư, hướng đến phát triển thêm các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, UBND huyện đã chọn bản Dộ - Tà Vờng để xây dựng thành bản nông thôn mới kết hợp du lịch cộng đồng. Ở bản bây giờ, nhà này nối nhà kia theo từng cụm, lối đi trong bản là những vườn cây, hoa trái với sắc xanh dịu mát. Từ sự hỗ trợ của chính quyền và các đoàn thể, người dân bản Dộ - Tà Vờng đã trồng lúa nước trên ruộng bậc thang, mở ra hướng sản xuất mới. Đây không chỉ giúp bảo đảm nguồn lương thực nhờ tận dụng được những thửa đất hoang ven suối, mùa vàng trên ruộng bậc thang mà còn tạo ra cảnh quan đẹp cho bản làng giữa màu xanh điệp trùng của núi rừng Trường Sơn.
Với những tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng, cùng với sự cố gắng không ngừng của người dân bản địa, trong tương lai không xa, bản Dộ - Tà Vờng sẽ là điểm đến đặc sắc, níu chân du khách khi đến với huyện Minh Hóa.
Tại thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, gần đây xã Sơn Trạch đang phát triển mạnh loại hình du lịch homestay (du lịch tại gia), farmstay (du lịch cộng đồng trải nghiệm). Đây chính là hình thức khuyến khích người dân phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Quảng Bình.
Ông Trần Nam Trung, Bí thư Thị ủy Phong Nha, huyện Bố Trạch cho biết, chính quyền tạo mọi thuận lợi cho người dân có thể chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, xây dựng các phòng ốc, buồng nghỉ làm dịch vụ homestay. Bên cạnh việc hỗ trợ người dân làm du lịch, huyện cũng đã tổ chức một số lớp đào tạo tiếng Anh miễn phí cho bà con vùng Phong Nha, chỉ đạo các ngành có liên quan tuyên truyền để nâng cao nhận thức về cách ứng xử, văn hóa.
Trước đây, xã miền núi Ngân Thủy vốn là một xã nghèo ở huyện Lệ Thủy, đời sống bà con vô vàn khó khăn, nhưng hiện nay cũng đã dần đổi thay nhờ định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Nơi đây có nhiều hang động với thạch nhũ kỳ vĩ, đặc biệt là hệ thống hang Chà Lòi với lòng hang, măng đá và thạch nhũ còn nguyên sơ tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ. Kể từ khi đón du khách lên với Ngân Thuỷ, người Bru - Vân Kiều ở đây đã từng bước biết cách làm du lịch với sự niềm nở, thân thiện, hiếu khách.
Được biết, trong số hơn 40 sản phẩm du lịch mà tỉnh Quảng Bình đang khai thác, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế như: Khám phá hang động thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru - Vân Kiều; trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa tại vùng đồng bào Rục ở Thượng Hóa; khám phá khe nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời; khám phá thiên nhiên Hóa Sơn - hang Rục Mòn...
Ngoài ra, các chương trình tham quan di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại cũng là những sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Bình.
Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, để du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ở Quảng Bình thực sự phát triển, tạo ra sản phẩm chất lượng, thu hút khách du lịch, yếu tố không thể thiếu chính là các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Bởi vậy, sự hợp tác, tham gia tích cực của cộng đồng trở thành chìa khóa xây dựng một ngành du lịch bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
Để làm được những điều này, các cơ quan chức năng địa phương nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển các mô hình du lịch nông thôn theo hướng thân thiện với môi trường, du lịch xanh, du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch không phát thải. Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương.