Tại tỉnh Quảng Bình, công tác phát hiện, ngăn chặn, phối hợp xử lý các hành vi vi phạm về xâm hại rừng và động vật hoang dã đã được các đơn vị thực thi pháp luật đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả. Nhưng hiện nay, các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, qua mặt lực lượng chức năng. 

Hiện nay, Quảng Bình đang triển khai Dự án Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn Đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 1689/QĐ-BNN-HTQT ngày 22/4/2021, tập trung triển khai thực hiện tại các xã thuộc vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong. Dự án đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã thông qua các phương pháp thay đổi hành vi, từng bước đi đến ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về rừng và động vật hoang dã. Người dân tại Quảng Bình đã có thay đổi tích cực trong việc bảo tồn đa dạng sinh học.

hoang da.png
Quảng Bình mạnh mẽ tuyên truyền người dân về bảo vệ động vật hoang dã. 

Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát tiển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã thường xuyên tiếp các loài động vật hoang dã về chăm sóc. Ngày 23/11, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã tiếp nhận 1 cá thể Trăn đất và 1 cá thể Chim ưng do Hạt kiểm lâm huyện Tuyên Hóa đưa tới bàn giao. Các thể này đều do người dân tự nguyện bàn giao trong quá trình làm vườn họ bắt được và nuôi dưỡng. Lực lượng kiểm lâm đã tuyên truyền người dân giao nộp động vật hoang dã và họ tự nguyện trao trả lại. Các cá thể này được Trung tâm Cứu hộ chăm sóc, khi đủ điều kiện sinh tồn sẽ thả chúng về tự nhiên theo quy định của pháp luật.

Trước đó, nhiều gia đình tại huyện Bố Trạch cũng giao nộp tự nguyện động vật hoang dã như 1 cá thể Mèo rừng do gia đình anh Hoàng Quốc Ngữ trú tại thôn Phú Kinh, xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, 1 cá thể Khỉ vàng có trọng lượng 2kg, 1 cá thể Khỉ đuôi lợn do anh Trần Chí Quyết (thôn Trung Hà, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch), 1 cá thể Mèo rừng có cân nặng 3,5 kg từ gia đình anh Đặng Chiêu Sinh ( thôn Trung Minh, xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch).

Đây đều là các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Sau thời gian người dân nuôi nhốt, những động vật này đã mất đi bản năng sinh tồn ngoài tự nhiên. Khi đưa về Trung tâm sẽ được chăm sóc trong muôi trường bán tự nhiên và khi thích hợp sẽ thả về môi trường. Trường hợp, động vật không thể sinh tồn ngoài môi trường, trung tâm sẽ chăm sóc nuôi dưỡng tới khi chết.

Theo Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, từ khi thành lập đến nay, Vườn đã tiếp nhận, cứu hộ 1.439 cá thể động vật hoang dã, 1.575 kg phong lan, đã thả về môi trường tự nhiên 1.335 cá thể. Hiện Trung tâm đang nuôi cứu hộ 64 cá thể động vật hoang dã các loài, trong đó có 07 cá thể Hổ Đông Dương. 

Ngoài bảo vệ và chăm sóc động vật hoang dã, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát tiển sinh vật cũng có nhiều đóng góp tích cực trong bảo vệ nguồn gen quý như  gây 91.000 cây giống lâm nghiệp thuộc 124 loài; trồng bổ sung trên 11.175 cây rừng để bảo tồn nguồn gen. Phấn đấu đến năm 2025, đưa Khu cứu hộ động vật hoang dã Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành Khu cứu hộ động vật hoang dã có năng lực tiếp nhận, cứu hộ đa loài đáp ứng yêu cầu cứu hộ động vật hoang dã trên cạn cho cả khu vực miền Trung.

Thời gian qua, riêng Vường quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã tiến hành 1.565 đợt tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật đến hàng trăm thôn, bản trên địa bàn các xã, thị trấn vùng đệm, tổ chức hoạt động diễn giải môi trường, thi sáng tác video, vẽ tranh cho học sinh... về phòng ngừa tội phạm đa dạng sinh học.


 
 
 
 
 
 
 
 

Phương Thúy và nhóm PV, BTV