Thời gian qua, các địa phương trong toàn tỉnh Quảng Bình đã tích cực vận động, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, hình thành những mô hình vườn mẫu đem lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ giúp người dân thay đổi nhận thức, sản xuất khoa học mà còn góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và tạo cảnh quan nông thôn mới xanh, sạch, đẹp.
Xác định rõ vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng vườn mẫu, tháng 10/2022, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Bộ tiêu chí xây dựng vườn mẫu nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, để được công nhận đạt chuẩn vườn mẫu, các khu vườn phải bảo đảm đạt 5 tiêu chí gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; Sản phẩm từ vườn; Môi trường - cảnh quan và Thu nhập.
Trong đó, có một số quy định cụ thể đối với từng tiêu chí, như vườn mẫu có diện tích từ 300m2 trở lên, sản phẩm hàng hóa phải bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm; chuồng trại chăn nuôi phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật và vệ sinh môi trường; cảnh quan, không gian xanh, sạch, đẹp, an toàn; thu nhập trên một đơn vị diện tích gấp 5 lần so với thu nhập từ trồng lúa…
Sau 5 năm thực hiện, vườn mẫu chuẩn nông thôn mới của gia đình ông Dương Bá Hiếu ở thôn Xuân Lai, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy đã được “khoác áo mới”.
Với diện tích hơn 3.200m2, ông Hiếu quy hoạch vườn thành nhiều khu vực để trồng nén, mè, thanh long, ổi, sắn, chè… Tại mỗi khu vực, ông đều lắp đặt hệ thống tưới hiện đại bảo đảm đủ nước tưới cho cây. Vườn có hệ thống thoát nước xung quanh, rác thải được phân loại ngay tại hộ gia đình, trong đó, rác hữu cơ xử lý ngay tại vườn, rác vô cơ được thu gom đưa về bãi tập kết rác trung chuyển trong thôn đúng quy định.
Nhờ được trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây của gia đình ông phát triển tốt, cho năng suất cao. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, ông luôn áp dụng quy trình chăm sóc cây theo hướng hữu cơ nên sản phẩm rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Thời điểm hiện tại, không chỉ tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, mỗi năm gia đình ông Hiếu thu về hơn 300 triệu đồng từ vườn mẫu.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy, trên địa bàn huyện hiện có 99 vườn kiểu mẫu (trong đó có 44 vườn được công nhận theo Bộ tiêu chí của UBND tỉnh) ở các xã Xuân Thủy, Thanh Thủy, Hồng Thủy, Mai Thủy, Trường Thủy, Cam Thủy, Liên Thủy…
Ông Trần Duy Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cho biết, với mục tiêu phát triển kinh tế vườn hộ gắn với xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, phong trào xây dựng vườn mẫu được triển khai tích cực, giúp người nông dân có động lực quy hoạch cải tạo vườn tạp, đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Các vườn được công nhận vườn chuẩn trên địa bàn có quy hoạch hợp lý, khoa học, có tính thẩm mỹ cao. Phần lớn các vườn đều có hệ thống tưới tiêu tiên tiến, áp dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất. Các sản phẩm từ vườn là kết quả từ sự lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có giá trị, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương và nhu cầu tiêu thụ, thị hiếu của thị trường; yếu tố cảnh quan, môi trường cũng được các hộ đầu tư, quan tâm.
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình có 102 vườn mẫu được công nhận theo Bộ tiêu chí của UBND tỉnh (tăng 10 vườn so với năm 2023). Phong trào xây dựng vườn mẫu nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã tạo diện mạo mới cho những vùng nông thôn, nhiều làng quê đã trở thành những miền quê đáng sống.
“Thời gian tới, để vườn mẫu phát triển hiệu quả và có tính lan tỏa, ngoài hỗ trợ của chính quyền địa phương thì bản thân hộ làm vườn phải chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng, liên kết với các hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh tạo đầu mối tiêu thụ sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững…”, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết.