UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Công văn số 1430/UBND-KT yêu cầu các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Theo đó, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

Tổ chức thực hiện, từng bước triển khai đồng bộ, thống nhất cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng, vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Ảnh 1: UBND tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Ảnh: Anh Tuấn
UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Ảnh: Anh Tuấn.

Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo những đơn vị liên quan sớm có kế hoạch chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu về giảm tỷ lệ chôn lấp trực tiếp dưới 30% vào năm 2025.

UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại, hoàn thành chậm nhất là ngày 30/12. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích cho việc đầu tư đồng bộ hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Sở Xây dựng hướng dẫn thủ tục liên quan đến lĩnh vực xây dựng đối với các khu xử lý, trạm trung chuyển, điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt; thẩm định quy hoạch, thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng cho các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo phân cấp…

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành kế hoạch về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từng bước hình thành thói quen và tự giác thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Kế hoạch phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn đúng quy định đạt từ 70% trở lên, chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt 98% trở lên, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt 86% trở lên, chất thải rắn sinh hoạt được tái chế đạt trên 60% trở lên.

Đồng thời, trên 90% trạm trung chuyển tại các huyện, thị xã, thành phố được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, trên 75% tổ chức, cá nhân thu gom chất thải rắn sinh hoạt và trên 85% đơn vị vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng đồng bộ phương tiện, trang thiết bị phù hợp với việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ dân đến địa điểm xử lý theo quy định.

Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2030, chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom,100% bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư tập trung đã đóng cửa, ô chôn lấp ngưng tiếp nhận được cải tạo, xử lý rác tồn lưu và tái sử dụng đất theo đúng quy hoạch của địa phương…

Hải Sâm