Nhờ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả, tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều, gồm cả hộ nghèo và hộ cận nghèo trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Bình là 8,06%, với 20.852 hộ.
Năm 2024, tỉnh Quảng Bình quyết tâm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững với mục đích thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển từng bước thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Tỉnh cũng đặt ra nhiều chỉ tiêu cụ thể, như giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,8%, tương ứng với giảm 2.063 hộ, số hộ nghèo còn lại là 8.410 hộ; hộ cận nghèo 0,5% tương ứng với giảm 1.295 hộ, số hộ nghèo còn lại là 9.084 hộ.
100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ việc làm; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi còn 12%. 97% trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi.
Về chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh, Quảng Bình phấn đấu năm 2024 có 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp về sinh; 60% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp về sinh.
Đáp ứng nhu cầu về thông tin, Quảng Bình phấn đấu 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.
Quảng Bình là địa phương thuộc khu vực Bắc Trung bộ. Thực tế, các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn và các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giáp ranh biên giới, hộ nghèo và cận nghèo không có khả năng lao động...
Nhờ nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều dự án đầu tư cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã được triển khai tích cực trong các tháng đầu năm 2024, nối tiếp thành quả những năm trước đó.
Quảng Bình hiện có 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển gồm: Xã Phù Hóa (huyện Quảng Trạch), xã Liên Trạch (huyện Bố Trạch), xã Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy). Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu 100% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, liên kết vùng, phục vụ dân sinh...
Tại đây, địa phương đã triển khai đầu tư và duy tu bảo dưỡng 36 công trình gồm: công trình giao thông, giáo dục, thủy lợi, chợ, nhà văn hóa.
Tại xã Phù Hoá, huyện Quảng Trạch, đến hết năm năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,74%, hộ cận nghèo giảm còn 4,42%. Lãnh đạo xã cho biết từ nguồn vốn hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, địa phương đã và đang triển khai mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản và mô hình chăn nuôi gà lai ri. Hai mô hình giá trị hàng trăm triệu đồng.
Các hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia phát triển sản xuất đã được hỗ trợ vật tư, con giống, kỹ thuật. Từ nguồn sinh kế này nhiều hộ đã vươn lên có thu nhập ổn định, tiến tới thoát nghèo.
Còn tại xã đặc biệt khó khăn Liên Trạch, huyện Bố Trạch, nơi thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, bão lũ, để giảm nghèo đa chiều, bền vững, xã tập trung vào việc trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng. Đây là sinh kế vững chắc, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ.
Đặc biệt tại xã này, hiện có khoảng 400 lao động đang làm việc ở nước ngoài, đem lại nguồn thu nhập cao cho các gia đình. Mỗi năm xã có 30-40 lao động tham gia lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,... Đây là kết quả của việc chính quyền địa phương linh hoạt, tích cực phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh liên kết các doanh nghiệp tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động.
Nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu quốc qia về giảm nghèo bền vững là "bệ đỡ" cho xã Liên Trạch có điều kiện tạo sinh kế sản xuất chăn nuôi bò và lợn cho người dân nghèo, cận nghèo nỗ lực vươn lên.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết tỉnh chú trọng gắn công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm với công tác giảm nghèo bền vững, tập trung những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa và các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển.
Điểm nhấn nổi bật trong công tác giảm nghèo ở Quảng Bình thời gian qua là các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, năm 2024, các địa phương tại Quảng Bình đã và đang có những cách làm hay, hiệu quả trong hỗ trợ, tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đáng nói, tại Quảng Bình, những năm gần đây, tư duy về giảm nghèo, chuẩn nghèo ở các cấp, các ngành và mỗi địa phương, từ cán bộ cơ sở đến người dân đã thay đổi. Phương thức hỗ trợ chuyển từ cho không sang trợ giúp một phần, có đối ứng, có điều kiện. Các địa phương từng bước xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất nhằm tạo điều kiện cho người nghèo sử dụng hiệu quả vốn, giống, sinh kế, chính sách. Nhiều lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo đã được người dân gửi đến chính quyền.