Sau khi ban hành Kế hoạch thực hiện mô hình “Dân vận khéo” giúp 19 bản thuộc 2 xã biên giới, miền núi Trường Sơn và Trường Xuân, Ban Thường vụ Huyện uỷ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã giao cho chính quyền 13 xã, thị trấn và một số phòng ban, đơn vị trên địa bàn thực hiện.
Nhiều mô hình hay và cách làm hiệu quả
Ông Trần Quốc Tuấn, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh cho biết, các địa phương phải xác định rõ nhu cầu của bà con để lên kế hoạch và tùy theo điều kiện của địa phương để huy động nguồn lực hỗ trợ. Hàng tháng, quý, phải báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Thường vụ Huyện ủy thông qua Ban Dân vận, từ đó có hướng chỉ đạo trong thời gian tiếp theo.
Qua một thời gian triển khai thực hiện kế hoạch, trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã xuất hiện nhiều mô hình hay và cách làm hiệu quả. Trong đó, xã Vạn Ninh là một điển hình.
Xã Vạn Ninh đã cử cán bộ đến khảo sát và làm việc với đại diện bản Thượng Sơn của xã Trường Sơn, sau đó đón 15 hộ đồng bào Bru-Vân Kiều về học tập các mô hình phát triển kinh tế tại xã. Đồng thời, xã xây dựng mới 10 nhà vệ sinh cho 10 hộ, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho 6 hộ thực hiện mô hình nuôi gà để phát triển kinh tế. Tổng số tiền sau 2 đợt hỗ trợ lên đến 104 triệu đồng.
Dù mỗi địa phương có mô hình và cách làm riêng nhưng mục tiêu hướng đến vẫn là giúp đồng bào Bru-Vân Kiều thay đổi nhận thức để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thị trấn Quán Hàu đã chọn cách đầu tư cho bản Cây Sú, xã Trường Sơn hệ thống máy bơm nước, giúp bà con có nguồn nước sinh hoạt và sản xuất ổn định, cũng như tặng quà cho các hộ nghèo…
Tại bản Dốc Mây, bản biên giới xa nhất của xã Trường Sơn, hiện có 24 hộ đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống. Ở đây không có đường giao thông, nguồn sống chủ yếu của bà con dựa vào nương rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, đời sống rất khó khăn; đặc biệt là không có nguồn nước sinh hoạt do địa hình đồi núi cao, triền dốc…
Được Huyện ủy phân công giúp đỡ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Quảng Ninh đã nhanh chóng đi khảo sát thực địa. Trên cơ sở nhu cầu cấp thiết của bà con, Ban bắt tay ngay vào thiết kế, xây dựng công trình cấp nước để giúp bà con bản Dốc Mây có nước sạch sử dụng với tổng kinh phí đầu tư 250 triệu đồng. Đây là công trình tiêu biểu nhất trong số các hạng mục được mô hình “Dân vận khéo” hỗ trợ cho bà con đồng bào đợt này.
Còn xã Võ Ninh lựa chọn hỗ trợ cho 15 hộ chăn nuôi của bản Trung Sơn thuộc xã Trường Sơn 30 lợn giống sinh sản. Xã Lương Ninh ngoài tiền hỗ trợ, tặng quà cho bà con bản Đá Chát còn mua mật ong nuôi, giúp tiêu thụ hàng hóa bà con làm ra…
Đến nay, tổng số tiền hỗ trợ được các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Quảng Ninh triển khai thực hiện lên đến gần 1,5 tỷ đồng, hoàn toàn bằng nguồn xã hội hoá, không dùng ngân sách.
“Điều quan trọng nhất của mô hình “Dân vận khéo” là được người dân vui vẻ đón nhận, tự nguyện đóng góp, thể hiện sự chia sẻ trách nhiệm của đồng bào người Kinh với đồng bào Bru-Vân Kiều. Đồng thời khơi dậy sự tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của nhân dân trong kiến thiết, xây dựng phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn”, ông Hoàng Xuân Thiết, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Quảng Ninh nhấn mạnh.
Hiện tại, 19 bản của 2 xã Trường Sơn, Trường Xuân đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình hạ tầng quy mô nhỏ, công trình cung cấp nước sạch, điện sinh hoạt…. Bà con cũng được tiếp cận các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để lựa chọn con giống, cây trồng, vật nuôi phù hợp, nên đời sống kinh tế cũng khá hơn.
Quá trình triển khai mô hình, nhờ được tuyên truyền, đồng bào Bru-Vân Kiều đã thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, không còn tình trạng trông chờ ỷ lại như trước đây và dần xóa bỏ các hủ tục cũ lạc hậu.
“Trong kế hoạch, Huyện ủy Quảng Ninh đã giao nhiệm vụ và phân công rõ trách nhiệm, mỗi người mỗi công việc; cán bộ ngành nghề nào, tham mưu mô hình, lĩnh vực về ngành nghề đó. Để tạo sự thi đua giữa các địa phương, đơn vị, mô hình cũng được lập nhóm để theo dõi, điều hành tiến độ công việc. Khi các đơn vị, địa phương hỗ trợ được phần việc gì, phải có báo cáo cụ thể về phần việc đã giúp đỡ, bà con tiếp nhận thế nào, cái gì được, cái gì chưa được để đúc rút kinh nghiệm cho các lần hỗ trợ sau”, ông Trần Quốc Tuấn, Bí thư Huyện uỷ nói.