Quảng Bình có chiều dài bờ biển hơn 116 km, phong phú về nguồn lợi hải sản, tiềm năng lớn trong phát triển du lịch và khai thác thủy sản. Với mục tiêu sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Bình tiếp tục xác định phát triển bền vững kinh tế biển, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trọng tâm là phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, như: Du lịch, dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng, khai thác hải sản; hậu cần nghề cá; khai thác khoáng sản biển; năng lượng tái tạo; kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới, gắn với hình thành văn hóa sinh thái biển; cải thiện sinh kế bền vững và nâng cao đời sống người dân vùng biển. Thu hút đầu tư hạ tầng, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ven biển.
Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng và quản lý vùng bờ trên địa bàn tỉnh chỉ dựa trên quản lý đơn ngành, chú trọng mục đích phát triển mà chưa chú trọng đúng mức việc bảo vệ tài nguyên và môi trường. Một loạt các vấn đề về môi trường biển như: Nguồn lợi thủy sản bị khai thác quá mức; cảnh quan ven biển bị suy thoái, tài nguyên nước cạn kiệt cùng với nước biển dâng làm xuất hiện hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng nhiều, hệ sinh thái ven biển (san hô, cỏ biển, rừng phòng hộ) đang dần bị suy thoái… đe dọa sự phát triển bền vững vùng bờ của tỉnh Quảng Bình.
Chính vì vậy, những năm vừa qua công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển đã được các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện; bước đầu đã tiến hành điều tra, thu thập thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển phục vụ cho việc xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Bình thông qua việc thực hiện các đề án, dự án, chương trình. Kết quả của hoạt động này đã góp phần bổ sung vào cơ sở dữ liệu về biển đảo của địa phương, tạo cơ sở cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, đảo trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành quan trắc môi trường trường biển và hải đảo tỉnh Quảng Bình với 15 vị trí nước biển ven bờ, 5 vị trí trầm tích đáy và 5 vị trí thủy sinh vật biển nhằm xác định được xu thế diễn biến chất lượng nước biển, trầm tích biển và thủy sinh vật biển ven bờ của tỉnh theo không gian và thời gian; kịp thời phát hiện và cảnh báo các trường hợp ô nhiễm nước biển, các sự cố ô nhiễm môi trường, phục vụ việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên môi trường biển, hải đảo hiệu quả, bền vững.
Đặc biệt mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1098/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Kế hoạch đặt mục tiêu tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển quan trọng như du lịch và dịch vụ biển, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới….
Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu 100 khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đáp ứng các quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi và chống chịu của hệ sinh thái biển đảo.
Cùng với đó là việc quản lý tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản…
Đặc biệt, kế hoạch đặt ra yêu cầu thực hiện định kỳ công tác điều tra phân loại, quan trắc và đánh giá các loại hình ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm môi trường biển; xây dựng các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển bị suy thoái.
Các giải pháp để thực hiện các mục tiêu này gồm thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về quản lý, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển; phát triển nguồn nhân lực biển; áp dụng cơ chế tài chính bền vững phục vụ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo; tuyên truyền nâng cao nhận thức về biển, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đảo….