Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố. Theo dự kiến, tỉnh Quảng Bình hợp nhất với Quảng Trị, lấy tên là tỉnh Quảng Trị, trung tâm hành chính đặt tại Quảng Bình hiện nay.

Để chuẩn bị "nơi ăn, chốn ở" cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Trị sẽ ra công tác, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát cơ sở vật chất.

ảnh 1.jpg
Trụ sở cũ của Sở Ngoại vụ Quảng Bình, nơi được xem xét làm nhà công vụ cho cán bộ từ Quảng Trị ra công tác. Ảnh: H. Sâm

Thông tin từ Sở Tài chính, đơn vị đã khảo sát, đánh giá hiện trạng nhiều trụ sở công lập đang sử dụng chưa hiệu quả hoặc bỏ trống trên địa bàn. 

Những địa điểm bước đầu được xem xét như: Trường trung cấp Kinh tế, trụ sở cũ của Sở Ngoại vụ và các trụ sở của đơn vị trung ương hiện không còn sử dụng.

Các công trình này đang được xem xét chuyển đổi công năng thành nhà công vụ, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cơ bản cho cán bộ từ Quảng Trị ra công tác. Các cơ sở có kết cấu chưa phù hợp hoặc xuống cấp sẽ được cải tạo, sửa chữa nhằm phục vụ tốt hơn mục đích lưu trú.

Địa phương xác định, phải đón tiếp, tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ tỉnh Quảng Trị bắt đầu từ "nơi ăn, chốn ở". Thậm chí quán triệt cả tinh thần, thái độ ứng xử của cán bộ địa phương để bảo đảm sự phối hợp hài hòa, hiệu quả sau sáp nhập.

Hiện các đề xuất và hình ảnh khảo sát đang được tổng hợp báo cáo lãnh đạo tỉnh xem xét. Dự kiến trong thời gian tới, các phương án cụ thể về phân bổ và cải tạo trụ sở sẽ được trình phê duyệt, nhằm bảo đảm tiến độ chuẩn bị hạ tầng đón cán bộ về đơn vị hành chính mới sau khi việc dự kiến sáp nhập Quảng Bình - Quảng Trị được thực thi.

Dự kiến sau khi sáp nhập, tỉnh Quảng Trị (mới) sẽ có diện tích tự nhiên khoảng 12.700km2 và dân số khoảng 1,72 triệu người.