Ngay từ đầu mùa khô, lực lượng kiểm lâm cùng các cấp chính quyền tại tỉnh Quảng Bình, chủ rừng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung nhân lực, phương tiện để sẵn sàng ứng phó, nhằm giảm thiểu số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Bố Trạch là địa phương có hơn 144 nghìn ha là đất có rừng tự nhiên và rừng trồng đã thành rừng. Trong năm 2023, toàn huyện xảy ra 2 vụ cháy rừng, thiệt hại trên 10ha (chủ yếu thuộc địa phận xã Thanh Trạch).
Bước vào đầu mùa nắng nóng 2024, huyện Bố Trạch sớm chủ động rà soát để xác định 4 vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Sau khi xác định các vùng trọng điểm, huyện đã triển khai các kế hoạch, phương án, giải pháp để phòng cháy, chữa cháy rừng như: Kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Bố Trạch và củng cố các tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện và túc trực 24/24 giờ để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện còn chỉ đạo, đôn đốc kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng làm tốt công tác xử lý thực bì; vận động người dân trồng lại rừng kinh tế trước mùa khô; bố trí lực lượng, phương tiện túc trực 24/24 giờ để phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”; củng cố, xây dựng các đường ranh cản lửa, đường băng trắng…
Ở các địa phương có diện tích đất có rừng tự nhiên và rừng trồng lớn như Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy… cũng đã sắp xếp, kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; chủ động khoanh vùng trọng điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng cao nhằm triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024 một cách chủ động, hiệu quả, sát với thực tiễn của từng địa phương.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, hiện tỉnh đã lập hồ sơ quản lý rừng đến tận các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao đất, giao rừng.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát công tác trồng rừng, quản lý việc khai thác rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp; kiên quyết xử lý các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng theo quy định pháp luật.
Trong năm 2024, toàn tỉnh Quảng Bình phấn đấu giảm số vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp và giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra so với năm 2023.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đặt ra, ngay từ đầu mùa khô, Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương và các đơn vị chủ rừng triển khai công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp với tình hình thực tế và bám sát phương châm “4 tại chỗ” để đối phó với nguy cơ cháy rừng xảy ra.
Chủ động thành lập, kiện toàn các ban chỉ đạo, tổ, đội về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cấp cơ sở; sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện túc trực 24/24 giờ để ngăn chặn cháy rừng hiệu quả, không chủ quan, lơ là trước mọi tình huống.
Lực lượng kiểm lâm trong tỉnh luôn phối hợp với các đơn vị chức năng thường xuyên tuyên truyền cảnh báo về cháy rừng; tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn lửa và nguồn nhiệt trong rừng, ven rừng dễ cháy và hướng dẫn người dân sử dụng lửa an toàn, có ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng…
Được biết, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là 650.534,31ha. Phân theo hiện trạng, toàn tỉnh có gần 470 nghìn ha rừng tự nhiên, hơn 79 nghìn ha rừng trồng, gần 42 nghìn ha đất đã trồng chưa thành rừng, hơn 59 nghìn ha đất chưa có rừng và tỷ lệ che phủ rừng đạt 68,70%.
Năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ cháy rừng (tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm trước), với diện tích rừng bị cháy 80,63ha.
Hải Sâm