Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh động vật trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, đặc biệt là dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc.

Từ đầu năm đến nay, tại một số tỉnh, thành trên cả nước xuất hiện các ổ dịch lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở gia súc. Các ngành chuyên môn phối hợp với cơ quan chức năng đã nỗ lực khoanh vùng, dập dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.

{keywords}
 Ảnh minh họa

Số lượng đàn gia súc của tỉnh khá lớn, chủ yếu chăn nuôi nông hộ; công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc ở một số nơi chưa được kiểm soát tốt; lưu lượng vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc qua địa bàn tỉnh lớn; thời tiết khí hậu thay đổi bất thường làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tăng nguy cơ dịch bệnh gia súc phát sinh và lây lan.

Để ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh xuất hiện, ngày 13/1 UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành “Chương trình phòng, chống bệnh Lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025”.

Trong văn bản nêu rõ, từ năm 2016 đến năm 2020, bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại 31 xã, phường của 6 huyện, thị xã làm 4.161 con gia súc mắc bệnh, 28 con gia súc chết và 1.888 con lợn bị tiêu hủy.

Chiều 24-3, ông Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã đi kiểm tra tình hình phòng, chống dịch bệnh gia súc tại huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Cùng đi có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT), Sở Y tế, UBND huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. 

Ông Đoàn Ngọc Lâm đề nghị UBND huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ và nguồn gốc của sản phẩm. 

Nếu trâu, bò nghi bị nhiễm bệnh cần cách ly để điều trị riêng. UBND huyện Quảng Trạch và thị xã  Ba Đồn cần chỉ đạo phường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện báo cáo dịch bệnh hằng ngày về Chi cục Chăn nuôi và Thú y theo quy định.

Ngành nông nghiệp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thị xã tích cực tham gia, bám sát địa bàn hỗ trợ người dân phòng chống dịch.

Huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi những biện pháp vệ sinh phòng bệnh, làm sạch môi trường bằng hóa chất và rải vôi khử trùng chuồng trại.

Những trường hợp phát hiện trâu, bò nghi bị bệnh cần báo nhanh cho UBND cấp xã, cơ quan thú y thực hiện kiểm tra lấy mẫu xác định bệnh để có biện pháp chống dịch đúng quy định.

Ông Đoàn Ngọc Lâm cũng đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế hỗ trợ các địa phương phun thuốc tiêu diệt côn trùng tại các địa bàn xảy ra dịch bệnh và nghi bị nhiễm bệnh.

Các địa phương phải bố trí lại cán bộ thú y cấp xã; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm của động vật ra vào địa bàn; tổ chức tiêu hủy động vật chết theo quy định; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống dịch bệnh…

Quang Sơn