Lan toả giá trị văn hóa Việt
Ông Lê Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường tiếng Việt Lạc Long Quân cho biết, việc dạy và học tiếng Việt được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan trong nước và các tổ chức hội đoàn. Việc quảng bá và giữ gìn tiếng Việt là tâm huyết của rất nhiều thầy cô giáo chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư.
Trường tiếng Việt Lạc Long Quân tại Thủ đô Warszawa thành lập xuất phát từ nguyện vọng được học tiếng Việt, hiểu biết tiếng mẹ đẻ và giữ gìn văn hóa Việt Nam của một số phụ huynh, con em sinh ra và lớn lên ở Ba Lan.
Qua khoảng thời gian dài hoạt động, đến nay, trường duy trì 150 - 180 học sinh trong độ tuổi từ 6 - 14 tham gia học tiếng Việt vào chiều thứ Bảy hàng tuần. Các học sinh được chia thành hai khối học: Khối I gồm các lớp học năm thứ nhất và năm thứ hai với chương trình A, B; Khối II gồm các lớp học năm thứ ba, tư, năm với chương trình C, D, E.
Đối với các cháu học tiếng Việt, trường không chỉ dạy kỹ năng nghe - nói - đọc - viết đơn thuần mà còn lồng ghép văn hóa Việt Nam, những ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc, những sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt là tình yêu quê hương và niềm tự hào về chủ quyền biển, đảo để các cháu hiểu biết về nguồn cội, về Tổ quốc Việt Nam.
Đặc biệt, từ năm 2018, trường hoàn thành biên soạn một bộ giáo trình riêng có tên gọi “Em học tiếng Việt,” gồm 14 quyển với các chương trình A, B, C, D, E nhằm đảm bảo phù hợp với môi trường và điều kiện thời gian của con em cộng đồng người Việt tại nước sở tại.
Trường dạy theo cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp, tùy theo nhu cầu, điều kiện đi lại của từng gia đình. Sau 1 kỳ học tiếng Việt với thời gian 3 tiết/ngày, các cháu có thể nghe, nói, đọc, viết rất vững vàng, nền tảng nhớ sâu.
“Chúng tôi muốn tạo tâm lý cho các cháu rằng, đến trường tiếng Việt ngoài học còn cảm nhận được tình người, tình thương giữa những người Việt Nam với nhau, cùng chia sẻ vui buồn, đoàn kết để phát triển và được lớn lên cùng những người bạn Việt Nam”, ông Lâm nói.
Bên cạnh những thầy cô ở Trường tiếng Việt Lạc Long Quân, nhiều kiều bào khác đã nỗ lực thực hiện các hoạt động lan tỏa văn hóa Việt, đưa tiếng Việt "phủ sóng" rộng khắp và được Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao. Gần đây nhất, bà Cao Hồng Vinh (SN 1973), kiều bào ở Ba Lan đã trúng cử vào Hội đồng quận Ochota, Thủ đô Warszawa trong cuộc bầu cử địa phương ngày 7/4/2024.
Đến nay, bà Vinh đã có hơn 30 năm học tập, sinh sống và làm việc tại Ba Lan. Không chỉ là nhà hoạt động giáo dục văn hóa tích cực ở địa phương, bà còn là một Việt kiều tiêu biểu trong nhiều năm qua.
Chương trình "Tuần Văn hóa Việt Nam" được bà Cao Hồng Vinh khởi xướng tại các trường phổ thông ở Ba Lan hơn 10 năm qua. Thông qua các chương trình này, văn hóa Việt Nam được người dân Ba Lan biết đến nhiều hơn qua phần giới thiệu sinh động, các làn điệu dân ca, điệu múa sạp, nón lá và trình diễn áo dài Việt Nam. Đồng thời thu hút, khuyến khích người dân bản địa học tiếng Việt, thể hiện các ca khúc bằng tiếng Việt.
Không chỉ đưa “Tuần Văn hóa Việt Nam” tại đường phố của Warszawa, bà còn tổ chức đưa văn hóa, lịch sử Việt Nam vào các trường học ở quận Ochota, nơi có đông cộng đồng người Việt Nam sinh sống, giúp các phụ huynh và học sinh gốc Việt thấy tự hào với truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam. Từ đó, học sinh gốc Việt hiểu thêm những giá trị cốt lõi của dân tộc Việt, thêm yêu quê hương, đất nước và trong tương lai sẽ có nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng, Tổ quốc.
Ngoài ra, bà Cao Hồng Vinh cũng là Chủ tịch Câu lạc bộ Trường Sa tại Ba Lan với nhiều đóng góp tích cực cho các hoạt động vì biển đảo quê hương của Việt Nam.
Năm 2024, bà Vinh cùng nhiều kiều bào tại các quốc gia đã về thăm đất nước và dâng hương dịp Giỗ tổ Hùng Vương. Ngày 20/4, thay mặt Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng trao thư chúc mừng bà Cao Hồng Vinh. Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, đây không chỉ là niềm tự hào của cá nhân bà Cao Hồng Vinh mà còn thể hiện bước phát triển mới của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, khẳng định vai trò và vị thế của cộng đồng trong xã hội sở tại.
Cầu nối văn hóa Việt Nam - Ba Lan
Đối với cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan cũng như nhiều nước trên thế giới, Tết Nguyên đán là dịp để bà con kiều bào tề tựu, cùng nhau nấu nướng, biểu diễn nghệ thuật vào chào đón năm mới theo phong cách truyền thống.
Tại Ba Lan, cộng đồng người Việt ngày càng hòa nhập và phát triển, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng như tăng cường sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai quốc gia.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, Quỹ Hỗ trợ hội nhập người Việt Nam tại Ba Lan và Quận Śródmieście đã phối hợp tổ chức Workshop về ẩm thực Tết cổ truyền Việt Nam cùng chương trình gói bánh chưng ngày Tết với sự tham gia của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, lãnh đạo Quận Śródmieście, các nhà tài trợ, đại diện một số tổ chức hội, đoàn người Việt tại Ba Lan và các em học sinh, sinh viên đến từ Hội học sinh, sinh viên Quận Śródmieście.
Trải qua gần 10 năm hoạt động, Quỹ đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và Ba Lan. Qua việc tổ chức nhiều hoạt động học tập, giao lưu tiếng Việt, các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, Quỹ không chỉ giúp cộng đồng người Việt hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, pháp luật và xã hội Ba Lan, mà còn tạo điều kiện cho bạn bè Ba Lan tiếp cận và hiểu rõ hơn về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử hào hùng và tinh thần kiên cường của dân tộc Việt Nam.
Tại sự kiện, các đại biểu được thưởng thức các các tiết mục nghệ thuật bằng nhạc cụ dân tộc do các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn trong không gian ấm áp giữa lòng phố cổ Warszawa; trực tiếp trải nghiệm hoạt động gói bánh chưng vốn được biết đến là nét đẹp truyền thống ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam và thưởng thức những món ăn truyền thống ngày Tết của dân tộc Việt Nam.
Quỳnh Nga