Những hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư điểm mặt trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công tác đấu thầu.

'Ôm đất' rồi bỏ hoang, thêm một loạt dự án ở Hà Nội trong tầm ngắm thu hồi

Công bố loạt dự án ‘đất vàng’ bỏ hoang bị Hà Nội thu hồi

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua quá trình kiểm tra và thực tế giải quyết kiến nghị cho thấy những hành vi tiêu cực, vi phạm vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhiều nơi vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp.

Những hành vi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư điểm mặt là cố tình chia nhỏ gói thầu để áp dụng chỉ định thầu hoặc hình thức kém cạnh tranh hơn đấu thầu rọng rãi...

{keywords}
Việc đấu thầu các công trình, dự án còn gây ra nhiều nghi ngại.

Ngoài ra, còn có hành vi những kiểu “xã hội đen” như cản trợ việc mua và nộp hồ sơ dự thầu của các nhà thầu như dùng nhiều lý do để hạn chế bán hồ sơ mời thầu; cướp, hủy hoại hồ sơ dự thầu. Địa điểm phát hành hồ sơ không rõ ràng, không theo thông báo mời thầu, mời chào hàng.

Hành vi cản trở cuộc thầu như cố tình bỏ giá thấp, kiến nghị liên tục, không xác đáng đến các cấp để tạo áp lực cho chủ đầu tư/bên mời thầu, gây cản trở, kéo dài thời gian trong đấu thầu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất còn mang tính chủ quan, không minh bạch nhằm cố tình loại nhà thầu vì những sai sót không nghiêm trọng; không cho phép làm rõ, bỏ qua những sai sót nghiêm trọng đối với những nhà thầu “ruột”.

Hành vi “thông thầu”, “quân xanh”, “quân đỏ”, dàn xếp giữa các nhà thầu và giữa nhà thầu với bên mời thầu...

Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra về đấu thầu còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Qua rà soát, một số địa phương cả năm chỉ thực hiện rất ít cuộc kiểm tra (1-3 cuộc) hoặc chỉ thực hiện kiểm tra công tác đấu thầu khi có kiến nghị, khiếu nại về các vi phạm...

Thậm chí, một số cơ quan được Bộ Kế hoạch và Đầu tư liệt kê là không thực hiện cuộc kiểm tra nào như Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Giang, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty đường sắt...

Tại một số địa phương, khi kiểm tra không phát hiện vi phạm tuy nhiên khi đoàn kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra trực tiếp một số gói thầu đã phát hiện không ít tồn tại, vi phạm.

Theo báo cáo của các bộ ngành địa phương, năm 2017 có 102 cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu. Thế nhưng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ nhận được 18 quyết định xử lý vi phạm do các bộ ngành địa phương gửi về.

"Việc buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tồn tại của những tiêu cực và vi phạm trong công tác đấu thầu", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét.

Thực tế cho thấy mức độ diễn ra các hành vi tiêu cực trong đấu thầu, đặc biệt là tình trạng thông thầu, tại các bộ, địa phương phụ thuộc vào tính nghiêm túc, trách nhiệm trong thực thi pháp luật của người đứng đầu. Đối với các cơ quan, đơn vị có sự chỉ đạo, lãnh đạo nghiêm túc thì hầu hết các hành vi tiêu cực được ngăn ngừa, hạn chế, tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu cao. Ngược lại, thì hiệu quả công tác đấu thầu rất hạn chế, xuất hiện nhiều tồn tại, tiêu cực, vi phạm.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2017 hình thức chỉ định thầu là có số lượng gói thầu lớn nhất với hơn 153 nghìn gói thầu, đứng thứ hai về tổng giá gói thầu với hơn 74 nghìn tỷ. Thế nhưng giá trị tiết kiệm của các gói thầu hình thức này thấp nhất.

Đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà thầu có tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu cao nhất, đồng thời tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu khá cao.

Chào hàng cạnh tranh đứng thứ ba cả về tổng số gói thầu, tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu. Còn đấu thầu hạn chế có số lượng gói thầu ít nhất nhưng có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất.

Hà Duy