PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, các tổ chức đảng và nhân dân rất quan tâm, rất hào hứng tham gia góp ý vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII.
Ông Thông chia sẻ, ý kiến của các tổ chức đảng và nhân dân tập trung vào thành tố thứ hai và thành tố thứ ba.Chủ đề của Đại hội Đảng lần thứ XIII sau khi được tiếp thu, hoàn thiện là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”.
Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức đảng và nhân dân, thành tố thứ hai được làm rõ nội hàm của khát vọng và diễn đạt lại là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”.
Thành tố thứ ba, dự thảo đầu tiên nêu “đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững đất nước”. Các tổ chức đảng và nhân dân cho rằng, việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển nhanh, bền vững đất nước là một nội dung chủ yếu, cốt lõi của công cuộc đổi mới, nhưng để trở thành một thành tố trong chủ đề Đại hội thì không nên. Tiếp thu ý kiến của các tổ chức đảng và nhân dân, Hội nghị Trung ương 14 đã thảo luận và sửa lại thành là “tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”.
Tuy chủ đề Đại hội chỉ nói đến “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” nhưng trong nội dung dự thảo văn kiện đầy đủ là “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".
Phồn vinh đã thể hiện rõ ngay ở mục tiêu đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Hội nghị Trung ương 14 đã thảo luận, tiếp thu ý kiến hợp lý, xác đáng của các tổ chức đảng và nhân dân đưa vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII. |
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, vấn đề của chúng ta không chỉ là nước phát triển có thu nhập cao mà còn là “hạnh phúc”. Bởi thực tế có những nước phát triển, thu nhập cao nhưng dân chưa hẳn đã hạnh phúc.
Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, thế giới ca ngợi Phần Lan, thu nhập đầu người không phải là cao nhất thế giới nhưng lại là quốc gia được xếp hạng hạnh phúc nhất thế giới.
“Việt Nam chúng ta, ngay từ ngày đầu lập nước Bác Hồ đã yêu cầu ghi dưới Quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", 6 chữ "Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”; và cả cuộc đời của Bác luôn chăm lo, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân”, PGS.TS Nguyễn Viết Thông nói.
Vì vậy, lần này Đại hội XIII nhấn mạnh đến việc xây dựng đất nước “phồn vinh, hạnh phúc” cũng là thể hiện sự quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, bắt kịp xu thế của thời đại.
Về mục tiêu phát triển đến năm 2025, 2030 và 2045, ông Thông cho biết, dự thảo cũ nêu 2 phương án. Dự thảo công bố lấy ý kiến nhân dân vào ngày 20/10/2020 và một phương án được Hội nghị Trung ương 14 vừa rồi cơ bản kế thừa dự thảo, nhưng có điều chỉnh phần thu nhập.
Cụ thể, dự thảo cũ đưa ra mục tiêu đến 2025 là có thu nhập trung bình cao nhưng vì tác động của Covid-19 và thực tế của năm 2020, thu nhập bình quân chỉ đạt được 2.750 USD và dự kiến đến năm 2025 ước đạt từ 4.700 – 5.000 USD, đến năm 2030 ước đạt 7.500 USD, căn cứ vào tiêu chí của thế giới chúng ta điều chỉnh lại thu nhập các mốc 2025 và 2030.
Cụ thể mốc 2025 trước đây là thu nhập trung bình cao thì bây giờ điều chỉnh vượt mức thu nhập trung bình thấp.
Đến 2030, dự thảo cũ là thuộc các nhóm trên các nước có thu nhập trung bình cao thì bây giờ điều chỉnh lại cho sát thực tế là có thu nhập trung bình cao. Còn đến 2045 là nước có thu nhập cao là giữ nguyên.
Hoàng Hiệp, Kiều Oanh, Tuấn Anh