Hội thảo với mục tiêu bàn luận các vấn đề phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là vấn đề quy hoạch điện VIII dưới góc độ quy định pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn, cũng như nhận định một số loại tranh chấp đặc thù trong triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Hơn 300 đại biểu tham dự theo cả hình tức trực tiếp trực tuyến. Ngày 15/5/2023, Thủ tướng chính thức ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII), mở ra không gian mới để ngành năng lượng tái tạo phát triển mạnh mẽ. Điều này thể hiện tinh thần kiên định với mục tiêu hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Tuy Quy hoạch điện VIII đã tạo lập được một hành lang pháp lý cơ bản, hiện nay việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo của nhà đầu tư vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó nguyên nhân chính đến từ sự thiếu hụt các quy định và hướng dẫn cụ thể.
Tại Hội thảo, PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật cho biết, năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của ngành năng lượng trên thế giới. Theo đánh giá, Việt Nam hiện nay có đủ nguồn năng lượng tái tạo để xây dựng ngành điện quốc gia theo kịch bản phát triển năng lượng bền vững và Chính phủ cũng đang có những hướng đi mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển loại hình năng lượng này. “Tuy nhiên, khung pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, cũng như thực tế triển khai từ giai đoạn đầu tư đến vận hành phát sinh rất nhiều vấn đề, đặc biệt là rủi ro tranh chấp giữa các bên liên quan. Chính vì vậy, vấn đề này cần được quan tâm nghiên cứu, làm rõ từ góc độ học thuật lẫn thực tiễn giải quyết tranh chấp”, PGS.TS Lê Vũ Nam nói.
Cũng tại Hội thảo, TS. LS. Lê Nết, Luật sư Thành viên Công ty Luật TNHH LNT & Partners, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu, Quy hoạch điện VIII mở ra tương lai trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Trong khi năng lượng gió và lưới điện sẽ trải qua sự phát triển lớn, các dự án năng lượng mặt trời cũng sẽ tiếp tục đóng góp vào cấu trúc năng lượng quốc gia. Theo TS. LS. Lê Nết, để triển khai Quy hoạch điện VIII một cách hiệu quả, Bộ Công Thương cần phải đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn về cách chuyển đổi dự án từ khí tự nhiên hóa lỏng sang thủy điện và từ than thành dự án amonia. Ngoài ra, giá mua điện cho các dự án chuyển đổi và thị trường giá điện cạnh tranh cũng cần được làm rõ. Trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới đang chịu tác động của nhiều yếu tố biến động, Việt Nam cần có những quyết định và hướng dẫn linh hoạt để đảm bảo rằng nó sẽ tiếp tục đóng góp vào nỗ lực toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch.