Luật Phòng, chống mua bán người đã được Quốc hội khóa XII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.

Qua thời gian hơn 10 năm thực hiện Luật, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt được nhiều kết quả tích cực; tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập cả về quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, tại một số địa phương đã xảy ra một số vụ mua bán người với những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, gây hậu quả nghiêm trọng khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (giai đoạn 1.1.2018 - 31.12.2022), trên cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, trong đó xử lý hình sự 386 vụ với 808 đối tượng. Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng đã khởi tố và chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền 54 vụ với 68 đối tượng. Đây là loại tội phạm có độ ẩn cao, xảy ra ở hầu hết các địa phương, trong đó tập trung ở một số tỉnh có đường biên giới với các nước láng giềng, nhất là ở vùng núi phía Bắc.

Nếu như trong giai đoạn trước đây, từ 2012 - 2020, mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài (chiếm trên 85% số vụ); trong thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước (riêng năm 2022, số vụ mua bán trong nước chiếm trên 45% tổng số vụ).

Quang cảnh phiên giải trình "việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người"

Trước tình trạng tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, tại Phiên giải trình "việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người" tổ chức mới đây, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai cho rằng, hệ thống pháp luật hiện nay chưa theo kịp với diễn biến tình hình thực tế, dẫn đến phát sinh bất cập, hạn chế, chưa bảo đảm cơ chế bảo vệ người dân từ sớm, từ xa trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay. Trong khi đó, hình phạt xử lý chưa đủ sức răn đe, tội phạm lại ngày càng tinh vi và tái phạm nhiều.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, liên quan đến việc tham gia sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người, Bộ Tư pháp đã có báo cáo thẩm định về đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) vào ngày 20.3.2023, đến nay Bộ Công an - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, đã tiếp thu, hoàn thiện. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với Bộ Công an để có báo cáo trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người. Trong đó, chú trọng hoàn thiện, sửa đổi quy định của Luật Phòng, chống mua bán người hiện hành để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong tình hình mới.

Với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại diện Bộ Công an cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai theo lộ trình Bộ đã báo cáo Chính phủ tại Tờ trình số 103/TTr-BCA ngày 24.2.2023.

Dự kiến dự án Luật sẽ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.

Việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật phòng, chống mua bán người; đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Đồng thời, tiếp tục rà soát toàn bộ những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác này, qua đó, đề xuất với các cơ quan hữu quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Thuý Tình và nhóm PV, BTV