Trong Phật giáo, đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên. Theo quan niệm phật giáo, nếu chúng ta dâng vàng, nhà lầu, xe hơi, ti vi…. thì chỉ làm cho các vong linh luyến tiếc cõi trần mà không còn tĩnh tâm để tu tập vượt cảnh giới. Họ càng chìm sâu vào khổ đau trong cảnh giới ác đạo.
Quan niệm đốt vàng mã cho tổ tiên càng nhiều càng tốt là một sai lầm |
Ngày 12/02/2018, thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực đã ký ban hành công văn 031 /CV-HĐT về việc cấm đốt vàng mã tại các chùa chiền để thực hiện đúng giáo pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Công văn đã được gửi tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố, hướng dẫn chư tôn, tăng ni trụ trì các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hoá tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, văn hoá Phật giáo. Công văn đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Công văn cũng nhấn mạnh, trong các bài giảng tại các tự viện cần chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội, lan toả giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo bạn.
Thượng tọa Thích Trực Giáo cho rằng việc đốt vàng mã không những trái đạo lý mà còn tốn tiền vô ích, người trí không bao giờ chấp nhận hành động mù quáng này. Theo thượng tọa, đạo Phật chủ trương giác ngộ, mang ánh sáng trí tuệ soi rọi cho thế gian. Đi ngược chủ trương của đạo Phật là đồng nghĩa với mê tín. Vì mê tín là lối tin mù quáng, làm cho con người mất hết trí thông minh.
Không chỉ là hủ tục đốt vàng mã, nhiều tập tục khác như việc coi ngày coi giờ, cúng sao giải hạn, trai đàn chẩn tế, giải oan bạt độ... cũng cần phải được đưa vào tầm ngắm chấn chỉnh lại hoặc loại bỏ để trả lại môi trường sinh hoạt tâm linh tinh khiết cho những người theo đạo Phật.
Ông cảnh báo việc đốt vàng mã hiện không còn gói gọn trong phạm vi cúng giỗ trong gia đình, đền chùa, miếu mạo, mà đã lan sang các công ty, xí nghiệp, cơ quan hoặc trong các buổi lễ động thổ, khởi công các công trình lớn của Nhà nước.
Tiếng nói của thượng tọa Thích Trực Giáo cùng nhiều nhà tu hành, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, có thể xem là một trong những nỗ lực đánh động nhận thức của người dân, nhằm thay đổi hành vi đốt vàng mã, một tục lệ có từ rất lâu đời.
Đây cũng là một phần việc trong cuộc vận động bỏ tục đốt vàng mã mà chính quyền TP.HCM đang ráo riết thực hiện. Tháng 3/2010, chính quyền thành phố đã chính thức xếp "đốt vàng mã" là một trong sáu hành vi gây mất mỹ quan đô thị, cần giải quyết triệt để.
Nhưng làm được việc này lại không hề dễ dàng. Đây là cổ tục du nhập từ Trung Hoa, có nguồn gốc từ tục chôn đồ vật, công cụ lao động theo người đã chết. Sau, nó "biến tấu" thành tục đốt đồ mã từ dinh thự, ngựa xe cho tới vàng bạc, hình nhân để các vong nhân có "đồ dùng".
Truyền thống của chúng ta là sự hòa giữa tổ tiên, thần linh và con người. Đến với đình chùa, con người sống hòa với thiên nhiên vũ trụ, hòa với thần linh, coi thần linh là chân lý. Đem vàng mã theo lối trần tục để hối lộ thần linh, để làm những nghi thức theo kiểu tốt lễ dễ kêu thì không có thần linh nào ủng hộ. Đốt vàng mã càng nhiều thì có nghĩa càng đi ngược lại tinh thần truyền thống.
Albert Einstein từng nói: "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo". Hãy nhân rộng phát triển đạo Phật trên tinh thần như vậy.
Nguyễn Liên
Ảnh:Bạt Tuấn