Dưới đây là những thông tin công khai về sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực, theo Reuters:
Nơi đồn trú của quân Mỹ
Washington đã vận hành các căn cứ khắp Trung Đông suốt nhiều thập kỷ. Vào thời kỳ cao điểm, có hơn 100.000 lính Mỹ ở Afghanistan vào năm 2011 và hơn 160.000 quân ở Iraq vào năm 2007.
Mặc dù con số này thấp hơn nhiều sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan vào năm 2021, nhưng hiện vẫn còn khoảng 30.000 binh sĩ Mỹ rải rác khắp khu vực. Ngoài ra, kể từ khi cuộc xung đột Israel - Hamas bùng phát ở Dải Gaza vào ngày 7/10 năm ngoái, Washington đã tạm thời điều thêm hàng nghìn lính đến khu vực, bao gồm cả tàu chiến.
Tiền đồn lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông nằm ở Qatar, có tên gọi Căn cứ không quân Al Udeid, được xây dựng vào năm 1996. Các quốc gia khác cũng có sự hiện diện quân sự của Mỹ gồm Bahrain, Kuwait, Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE).
Washington đang duy trì khoảng 900 quân ở Syria, tại các căn cứ nhỏ như các giếng dầu Al Omar và Al-Shaddadi, chủ yếu ở phía đông bắc đất nước. Có một tiền đồn nhỏ gần biên giới của Syria với Iraq và Jordan, được gọi là điểm đồn trú Al Tanf.
Hiện có 2.500 quân nhân Mỹ ở Iraq, rải rác khắp các cơ sở như căn cứ không quân Union III và Ain al-Asad. Tuy nhiên, Washington và Baghdad đang đàm phán về tương lai của lực lượng này.
Lí do lính Mỹ đồn trú ở Trung Đông
Các lực lượng Mỹ đóng quân ở Trung Đông vì nhiều lí do khác nhau. Ngoại trừ ở Syria, họ có mặt tại những nơi đó với sự cho phép của chính phủ các nước sở tại.
Ở một số quốc gia như Iraq và Syria, quân đội Mỹ tuyên bố mục tiêu chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng như cố vấn cho các lực lượng địa phương. Tuy nhiên, họ đã bị các nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn tấn công suốt nhiều năm qua và buộc phải có hành động đáp trả.
Jordan, một đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực, có hàng trăm cố vấn huấn luyện quân sự người Mỹ và họ tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn quanh năm.
Trong các trường hợp khác, như ở Qatar và UAE, quân đội Mỹ hiện diện để trấn an các đồng minh, tiến hành huấn luyện và được triển khai khi cần thiết trong các hoạt động ở khu vực.
Tháp 22
Tháp 22, nơi xảy ra vụ tấn công bằng UAV khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng và hơn 30 binh sĩ khác bị thương hôm 28/1, giữ một vị trí chiến lược quan trọng tại điểm xa nhất về đông bắc của Jordan, ở khu vực ngã ba biên giới với Syria và Iraq.
Căn cứ này nằm gần điểm đồn trú Al Tanf ở Syria và là nơi đóng quân của một số lượng nhỏ binh lính Mỹ. Trước khi Tháp 22 được xây dựng, Al Tanf từng là căn cứ chủ chốt trong cuộc chiến chống IS và có vai trò quan trọng trong chiến lược của Washington nhằm ngăn chặn sự tăng cường hiện diện quân sự của Iran ở miền đông Syria.
Nguy cơ các căn cứ Mỹ bị tấn công
Các căn cứ của Mỹ là những cơ sở được bảo vệ nghiêm ngặt, bao gồm cả việc trang bị hệ thống phòng không chống tên lửa hoặc UAV. Các cơ sở ở những nước như Qatar, Bahrain, Ảrập Xêút, Kuwait thường không bị tấn công.
Tuy nhiên, quân đội Mỹ ở Iraq và Syria thường xuyên là mục tiêu bị tập kích trong những năm gần đây. Kể từ ngày 7/10/2023, thời điểm bắt đầu xảy ra xung đột Israel – Hamas ở Dải Gaza, các lực lượng Washington đã bị các nhóm chiến binh được Tehran hậu thuẫn, tấn công hơn 160 lần, khiến khoảng 80 quân nhân bị thương.