Thời gian qua, ICTnews liên tục có bài phản ánh về tình trạng hàng cấm, hàng giả, hàng nhái bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội.
Mạng xã hội, các trang thương mại điện tử được coi là thiên đường rao bán hàng giả, hàng nhái, hàng cấm. Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), mặt hàng thường được làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi cộm bao gồm điện tử, thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép, dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng,...
Đáng chú ý, hiện nay là nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thương mại điện tử thông qua các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng.
Tuy nhiên, đây cũng là kênh đang được nhiều đối tượng lợi dụng để rao bán, quảng cáo, khuyến mại nhiều hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... một cách công khai, tràn lan trên các website, mạng xã hội.
Các cơ quan chức năng rất khó để phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng để xử lý do những vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ hữu hình vốn đã phức tạp, khó khăn trong công tác xử lý thì những vi phạm trong môi trường thương mại điện tử còn tinh vi, phức tạp hơn nhiều.
Vô số các trang quảng cáo bán hàng hiệu với giá chỉ vài trăm nghìn trên Facebook. Ảnh minh họa: Internet |
Trả lời phỏng vấn của ICTnews về trách nhiệm của Tổng cục Quản lý thị trường trong việc kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng nhái bày bán công khai trên các trang thương mại điện tử? Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh Quản lý thị trường năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Trần Hữu Linh cho biết, công tác đấu tranh phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của lực lượng quản lý thị trường trong năm 2019 với mục tiêu tạo ra sự chuyển biến tích cực và rõ nét trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phê duyệt Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2019 của Tổng cục Quản lý thị trường, các tổ chức, cá nhân và các mô hình hoạt động kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số để kinh doanh, đặc biệt là các đối tượng quảng cáo và kinh doanh hàng hoá công khai trên mạng bao gồm: website, Facebook, Zalo ... Việc kiểm tra hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xác định là nhóm đối tượng chính của hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong năm 2019 của lực lượng Quản lý thị trường.
Cũng theo ông Trần Hữu Linh, do tính chất đặc thù và phức tạp của hoạt động thương mại điện tử, để bảo đảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng và các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là cơ quan thông tin, truyền thông và báo chí, trong quá trình triển khai các biện pháp nghiệp vụ và thực hiện hoạt động kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.