Quốc hội dành cả chiều 29/11 để thảo luận về Luật Doanh nghiệp nhà nước (sửa đổi).

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận định, cơ chế phân phối lợi nhuận như dự thảo Luật sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp kinh doanh tốt, có lợi nhuận nhiều vì tất cả đều chỉ được trích tối đa 3 tháng tiền lương để đưa vào quỹ khen thưởng và phúc lợi.

Ông Cường đặt vấn đề, nếu doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả nhưng mức tự trả lương cao thì không còn lợi nhuận để trích các quỹ khen thưởng, phúc lợi. Tuy nhiên, thực tế tiền thu nhập hằng tháng của người lao động vẫn cao.

"Ngược lại, nếu doanh nghiệp làm ăn tốt nhưng người ta xác định mức tiền lương thấp, khi đó kinh doanh có lãi, lợi nhuận nhiều người ta chỉ được trích 3 tháng tiền lương để khen thưởng, như vậy người lao động vẫn thu nhập thấp", ông Cường phân tích.

202411291513593484_z6080894773394_49042b1c3ebf4e117917db268522e143.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu cho rằng việc phân phối lợi nhuận trước hết phải dành để thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao như tăng vốn, trích nộp ngân sách, trích lập các quỹ tích lũy để phát triển, trích lập quỹ dự phòng, phần còn lại sẽ được phân phối cho người lao động.

Như vậy người lao động sẽ được hưởng theo thành quả, nếu lợi nhuận còn lại nhiều thì được hưởng nhiều, lợi nhuận ít sẽ được hưởng ít.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho rằng mô hình cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoạt động mang tính hành chính. Ông dẫn chứng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thành lập từ năm 2018 để tách bạch quản lý nhà nước và quản lý vốn, nhưng hoạt động vẫn mang tính hành chính mà chưa gắn với chuyên môn điều hành của doanh nghiệp. 

Theo ông, chức năng chủ sở hữu nên được tách bạch với quản lý nhà nước, công khai trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động công ích và xã hội.

Ngoài ra, cần hạn chế các can thiệp hành chính vào điều hành, gắn cơ chế trách nhiệm giải trình, giám sát và cơ chế tuyển nhân sự quản lý, điều hành với hiệu quả công việc.

202411291652078117_z6081265528130_99a0094867f0ffe2e4586a23ba3ca535.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình. Ảnh: Quốc hội

Thay mặt cơ quan soạn thảo dự án luật, lần đầu giải trình trước Quốc hội trên cương vị mới, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng bày tỏ cảm ơn đại biểu Quốc hội đã tin tưởng, tín nhiệm, bầu, phê chuẩn ông giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Ông nhấn mạnh cam kết sẽ nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, đáp ứng được niềm tin và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước cũng như các đại biểu Quốc hội.

Giải trình về người đại diện vốn, Bộ trưởng cho rằng người đại diện vốn tại doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc bảo toàn, phát triển vốn tại doanh nghiệp.

"Chúng ta phải có cơ chế quản lý, đánh giá", Bộ trưởng bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường.

"Phải có cơ chế quản lý, đánh giá gắn với chế độ đãi ngộ, phải có công cụ cho người ta. Chúng ta đưa ra cơ chế đãi ngộ, cơ chế đánh giá rất khắt khe, người ta rất vất vả nhưng tiền lương, tiền thưởng lại bảo là cứ phải theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ và cho rằng khi đó người tài cũng không bao giờ làm hết trách nhiệm của mình.

"Một doanh nghiệp cùng ngành nghề tại sao ở ngoài người ta trả gấp khoảng 50-100 lần, còn 5 lần, 10 lần là phổ biến, còn người đại diện vốn chúng ta thì lại rất thấp? Rõ ràng như thế không được", Bộ trưởng phân tích.

Ông đồng tình việc có quy định khách quan, minh bạch với người quản lý. Khi làm tốt, vượt lợi nhuận sẽ có lương thưởng, còn làm không tốt có thể cảnh báo, thậm chí sa thải.